Các doanh nghiệp nước ngoài chịu sức ép lớn khi làm ăn tại Trung Quốc (Ảnh: Bloomberg).
Làn sóng tẩy chay một số thương hiệu nước ngoài như H&M và một số thương hiệu thời trang phương Tây khác ở Trung Quốc những ngày qua cho thấy nỗ lực tránh bị lôi cuốn vào các căng thẳng địa chính trị của các doanh nghiệp nước ngoài khi làm ăn ở Trung Quốc không hề dễ dàng. Căng thẳng ngoại giao hiện nay giữa Trung Quốc và phương Tây liên quan đến vấn đề Tân Cương buộc các doanh nghiệp này phải lựa chọn: hoặc lợi nhuận hoặc nguyên tắc trước tiên.
Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) cáo buộc Trung Quốc sử dụng "lao động cưỡng bức" với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Bắc Kinh kiên quyết bác bỏ cáo buộc này. Căng thẳng leo thang sau khi Trung Quốc và phương Tây "ăn miếng, trả miếng" bằng các lệnh trừng phạt lẫn nhau.
Chỉ vài ngày sau, cộng đồng mạng Trung Quốc đã kêu gọi phong trào tẩy chay hàng loạt thương hiệu phương Tây như H&M, Nike, Adidas vì các doanh nghiệp này công khai nêu quan điểm phản đối "cưỡng bức lao động" sản xuất bông ở Tân Cương. Một số trang thương mại điện tử của Trung Quốc thậm chí đã "cấm cửa" H&M.
"Những doanh nghiệp này tiến thoái lưỡng nan, không có một câu trả lời hoàn hảo nào cho họ", James McGregor, chuyên gia tại công ty tư vấn APCO Worldwide, nhận định. Chuyên gia này cho rằng, Bắc Kinh gây sức ép lên các doanh nghiệp nước ngoài để gián tiếp gây sức ép buộc chính phủ các nước phương Tây rút lại lệnh trừng phạt.
Một thị trường hấp dẫn nhưng nhiều sức ép
Với hơn 1 tỷ dân, Trung Quốc có sức hút lớn với các doanh nghiệp nước ngoài (Ảnh minh họa: NBC).
Bắc Kinh đã nêu rõ rằng các doanh nghiệp đa quốc gia phải tuân thủ quy tắc của họ nếu muốn làm ăn ở quốc gia 1,4 tỷ dân này. Nhiều doanh nghiệp chấp nhận điều đó để có thể khai thác thị trường hấp dẫn này.
"Thâm nhập thị trường Trung Quốc luôn hấp dẫn. Nhiều năm trước, khi các doanh nghiệp lần đầu tới đây, tuy chưa kiếm được lợi nhuận trong vài năm đầu, nhưng họ vẫn bám trụ lại bởi tin rằng người tiêu dùng Trung Quốc chịu chi hơn", Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết.
Các doanh nghiệp nước ngoài khi muốn làm ăn ở Trung Quốc thường phải nhượng bộ một số khía cạnh như phải thông qua liên doanh với các doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc. Mặc dù một số quy tắc đã được nới lỏng những năm gần đây, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn việc họ bị buộc chuyển giao công nghệ để được tiếp cận
Những doanh nghiệp không chấp nhận "luật chơi" của Bắc Kinh sẽ bị gạt ra ngoài. Ví dụ, Google cung cấp dịch vụ tra cứu trực tuyến ở Trung Quốc từ năm 2006 đến 2010 trên cơ sở kết quả tra cứu có kiểm duyệt. Tuy nhiên, cuối cùng, Google bị "cấm cửa" vì quyết định không chấp nhận quy định đó.
Với các doanh nghiệp tìm cách vào thị trường Trung Quốc là vậy, cả những doanh nghiệp đã được thâm nhập thị trường tỷ dân này cũng phải đối mặt những áp lực lớn. Năm 2017, một số cửa hãng của thương hiệu Lotte (Hàn Quốc) bị buộc đóng cửa ở Trung Quốc sau khi bùng lên căng thẳng giữa Trung Quốc và Hàn Quốc về việc Seoul cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.
Năm 2018, chính phủ Trung Quốc yêu cầu American Airlines, Delta và United Airlines phải thay đổi cách gọi Đài Loan nếu không sẽ hứng chịu lệnh trừng phạt ở Trung Quốc - một trong những thị trường lớn nhất thế giới với ngành hàng không.
Thậm chí những doanh nghiệp có mối quan hệ tương đối mật thiết với giới chức Trung Quốc cũng không phải ngoại lệ. Gần đây, Tesla, một doanh nghiệp vốn hưởng nhiều ưu đãi của Bắc Kinh, cũng vướng vào rắc rối khi hoài nghi chất lượng dòng xe điện Model 3 sản xuất ở Trung Quốc hay nghi ngờ camera gắn trên xe này dùng cho mục đích do thám.
"Các doanh nghiệp buộc phải chọn bên nào, họ phải cố gắng để không phải làm điều đó công khai. Họ tìm cách cân bằng giữa thị trường quan trọng nhất với thị trường tăng trưởng nhanh nhất, đôi khi là hy sinh đạo đức ", Isaac Stone Fish, nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty nghiên cứu Strategy Risks, bình luận.
Minh Phương
Theo Time, Washington Post