Thế giới đã có hơn 20 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 733.000 người đã tử vong.
Theo số liệu của Worldometers, tính đến sáng nay 10/8, số người mắc Covid-19 trên thế giới chính thức vượt mốc 20 triệu, trong đó hơn 733.000 người đã tử vong, hơn 12,8 triệu người đã phục hồi.
Mỹ tiếp tục là tâm dịch của thế giới với số người mắc Covid-19 cán mốc 5 triệu người vào ngày 9/8, trong đó hơn 165.000 người đã tử vong. Giới chuyên gia dự đoán, số người mắc Covid-19 và số người tử vong ở các bang khu vực Trung Tây của Mỹ sẽ tăng mạnh trong những tuần tới.
"Rõ ràng các bang từ Indiana đến Ohio, Kentucky và Missouri hay các bang nư Illinois, Michigan đang chứng kiến dịch Covid-19 bùng phát mạnh", các chuyên gia của trung tâm PolicyLab thuộc Bệnh viện nhi Philadelphia cho biết.
Ở tâm dịch lớn thứ hai thế giới, số người mắc Covid-19 tại Brazil đã vượt 3 triệu ca, trong đó số người chết vì đại dịch này cũng vượt 101.000 ca. Natalia Pasternak là một chuyên gia dịch tễ của Brazil, người luôn tích cực kêu gọi chính phủ Brazil nghiêm túc nhìn nhận sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19 và kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp kiểm dịch để ngăn dịch lan rộng. Bà cảnh báo: "Mở cửa lúc này là một thảm họa... Chúng ta đã thất bại". Bà cũng cho rằng, Tổng thống Jair Bolsonaro phải chịu trách nhiệm cho điều này.
Tại châu Á, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Ấn Độ khi liên tiếp những ngày gần đây Ấn Độ ghi nhận hơn 60.000 ca mắc mới mỗi ngày. Ấn Độ hiện là tâm dịch lớn thứ 3 thế giới với hơn 2,2 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 44.000 người đã tử vong.
Tại châu Âu, chính phủ các nước về cơ bản sẵn sàng ứng phó với kịch bản dịch bùng phát mạnh trở lại khi số ca mắc Covid-19 tại đây vượt 3 triệu người, trong đó hơn 206.000 người đã tử vong. Các biện pháp như phong tỏa một phần, bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng, thực hiện giãn cách xã hội được chính quyền các địa phương thực hiện.
Tại Anh, trong ngày 9/8, Anh ghi nhận 1.062 ca mắc mới, đánh dấu lần đầu tiên số người mắc mới Covid-19 trong ngày vượt 1.000 ca kể từ cuối tháng 6. Mặc dù vậy, Thủ tướng Boris Johnson cho rằng mở cửa trường học vào tháng 9 là cần thiết và vẫn đảm bảo an toàn bất chấp giới chuyên gia cảnh báo Anh có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai nghiêm trọng hơn vào mùa đông tới nếu mở cửa trường học không đi kèm việc nâng cao hệ thống xét nghiệm và truy vết.
Trong một diễn biến liên quan khác, theo hãng tin Telegraph, Anh có thể ngừng cập nhật số người chết vì Covid-19 hàng ngày và chuyển sang cập nhật hàng tuần vì nhiều học giả cho rằng số liệu hàng ngày có thể bao gồm những người chết vì nguyên nhân khác.
Các nước không muốn phong tỏa hoàn toàn để hạn chế tác động đến nền kinh tế vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. (Ảnh minh họa: AFP)
Dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc từ cuối năm ngoái và nhanh chóng lan rộng trở thành đại dịch toàn cầu. Đại dịch đã tác động nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống xã hội toàn cầu khi hàng loạt quốc gia rơi vào suy thoái.
Theo số liệu của chính phủ Mỹ, GDP quý II của nước này giảm xấp xỉ 33%, khiến kinh tế nước này chính thức rơi vào suy thoái kỹ thuật sau 2 quý suy giảm liên tiếp.Covid-19 cũng khiến kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật lần đầu tiên kể từ năm 2015. Số liệu của chính phủ Nhật Bản công bố tuần trước cho biết, sau khi tăng trưởng âm 7,3% trong quý 4/2019, kinh tế Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng âm 2,2% trong quý 1 năm nay.Philippines cũng rơi vào suy thoái kin tế lần đầu tiên trong gần 30 năm với GDP giảm 16,5% trong quý 2, sau khi giảm 0,7% trong quý 1 năm nay.
Kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 chính là lý do khiến nhiều chính phủ bác bỏ khả năng phong tỏa hoàn toàn trở lại.
Minh Phương
Theo Guardian