Fica
  1. Quốc tế

Tháng "thăng hoa" của chứng khoán toàn cầu

Đại Phú
Đại Phú

Thành quả trên được xây chắc trên kỳ vọng lãi suất tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt đỉnh trước khi tiến tới cắt giảm trong nửa đầu năm 2024.

Thị trường chứng khoán toàn cầu vừa ghi nhận tháng tăng điểm tốt nhất trong vòng ba năm trở lại đây khi nhà đầu tư kỳ vọng chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn đang tiến gần tới “hồi kết”. 

Cụ thể, chỉ số The MSCI All-Country World tăng 9% trong tháng 11, mức tăng trong một tháng mạnh nhất kể từ tháng 11/2020, thời điểm thông tin về những bước tiến mới trong công tác điều chế vaccine phòng chống Covid-19 xuất hiện. 

Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 và Dow Jones cùng tăng 8,9% trong cùng giai đoạn nhưng vẫn đứng sau mức tăng lên tới 10,7% của Nasdaq. Trong khi đó, chỉ số Stoxx 600 của châu Âu cũng tăng gần 6% tháng vừa qua. 

Chứng khoán toàn cầu "thăng hoa" trong tháng 11

Thành quả trên được xây chắc trên kỳ vọng lãi suất tại Mỹ và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt đỉnh, tiến tới cắt giảm trong nửa đầu năm 2024. Và cơ sở cho kỳ vọng trên bắt nguồn từ thực tế lạm phát hạ nhiệt đáng kể so với đỉnh nhiều thập kỷ ghi nhận hồi năm ngoái. 

“Thị trường vận hành trên niềm tin lạm phát không còn là ‘cơn đau đầu’ đối với các ngân hàng trung ương”, Torsten Slok, kinh tế trưởng công ty đầu tư Apollo, nhận định. “Nếu lạm phát không còn là nỗi lo, Fed cũng sẽ còn còn là rủi ro đối với thị trường. Đó là cơ hội bứt phá của các loại hình tài sản rủi ro”, ông chia sẻ. 

Tuần vừa qua, một trong những quan chức “diều hâu” nhất của Fed Christopher Waller, lên tiếng thừa nhận ông “ngày càng tự tin” rằng chính sách tiền tệ đang có “độ chín” tốt và lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng sụt giảm. “Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất vì áp lực giá cả xuống thấp”, ông chia sẻ. Hiện tại, thị trường nhận định Ngân hàng trung ương Mỹ sẽ làm điều đó vào tháng 5 năm sau. 

Tại châu Âu, hy vọng ECB cắt giảm lãi suất vào đầu năm sau cũng ngày một lớn, đặc biệt sau khi lạm phát tháng 11 về sát mục tiêu 2%, bất chấp quan điểm thận trọng của các quan chức cơ quan này. 

Tuy nhiên, vẫn còn đó những nghi ngại về đà tăng điểm của thị trường tháng vừa qua. Một số quỹ quản lý tài sản lớn như Vanguard và Robeco gần đây lên tiếng cảnh báo thực trạng định giá cổ phiếu cao trên thị trường. Lý do là bởi tăng trưởng kinh tế chậm thời gian tới sẽ gây ra tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh và định giá cổ phiếu của các doanh nghiệp. Kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng hơn 5% trong quý III/2023 có thể khiến Fed chưa thể sớm hài lòng với quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ thời gian qua.  

“Đà tăng điểm của thị trường chưa đạt được độ chín. Khó khăn vẫn trực chờ ở phía trước”, Torsten Slok (Apollo), nhận định. 

Đại Phú