Fica
  1. Quốc tế

Thách thức từ Trung Quốc trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cả Mỹ và châu Âu đều ngày càng cảnh giác trước các thách thức do Trung Quốc tạo ra. Hai bên vừa giống vừa khác trong cách tiếp cận với Trung Quốc.

Mới đây Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến thăm Đức. Nội dung chuyến thăm rất rộng nhưng đáng lưu ý là sự tập trung vào hợp tác xuyên Đại Tây Dương để ứng phó với cái mà họ gọi là thách thức từ phía Trung Quốc.

Thách thức từ Trung Quốc trong mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu - 1

Cờ Trung Quốc, Mỹ, và Liên minh châu Âu. Ảnh: Nikkei.

Sự chú ý tới hợp tác Mỹ-Âu ở châu Á đã gia tăng trong các năm gần đây. Có nhiều nguyên nhân cho hiện tượng này, như vai trò kinh tế và chiến lược ngày càng tăng của châu Á (khiến cả Mỹ và châu Âu đều đầu tư nhiều vào khu vực này), hay các mối quan ngại ngày càng lớn về thách thức do Trung Quốc tạo ra cho họ.

Đều nhìn nhận Trung Quốc là mối thách thức lớn

Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đã vạch ra các đường nét của cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc. Với các chính sách như phát động chiến tranh thương mại, và các văn bản như Chiến lược An ninh Quốc gia và Chiến lượng Quốc phòng, Mỹ đang hướng tới các đồng minh châu Âu như là Pháp và Đức để xây dựng một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương đối phó với Bắc Kinh trên hàng loạt vấn đề từ mạng 5G đến vấn đề Biển Đông hay nhân quyền.

Các nước lớn ở châu Âu đã và đang gia tăng mối quan ngại của mình về các khía cạnh trong hành vi của Trung Quốc, điều này được thể hiện qua các tài liệu như Chiến lược Kết nối Âu-Á được công bố vào năm 2018 và một văn bản về chiến lược của Ủy ban châu Âu, trong đó có sự ám chỉ Trung Quốc là “đối thủ đối xứng”.

Sự chú ý dành cho liên minh Âu-Mỹ và thách thức mang tên Trung Quốc đã tiếp diễn trong tháng vừa qua. Trong vài tuần qua, các quan chức cấp cao Mỹ trong chính quyền ông Trump, bao gồm Phó Tổng thống Mike Pence và Ngoại trưởng Mike Pompeo đã có những phát biểu củng cố cách tiếp cận của ông Trump  đối với vấn đề Trung Quốc. Về phía châu Âu cũng có những diễn biến mới gắn với cách tiếp cận của châu Âu với Trung Quốc. Phát biểu của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng trước nhấn mạnh rằng khi nắm giữ chức chủ tịch luân phiên của EU, Đức sẽ tâp trung vào Trung Quốc.

Đáng lưu ý nhất có lẽ là chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo  từ ngày 6-8/11. Trong phát biểu tại cuộc họp báo chung vào ngày 7/1l, ông Pompeo đề cập thách thức Trung Quốc đầu tiên trong một loạt các vấn đề toàn cầu. Và trong bài diễn văn tại Quỹ Korber-Stiftung  ở Berlin vào ngày 8/11, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh lại nhu cầu lớn hơn nữa về hợp tác xuyên Đại Tây Dương liên quan tới Trung Quốc. Ông cho rằng Bắc Kinh “đang hình thành một tầm nhìn về tập trung quyền lực” tương tự như ở Đông Đức trước đây.

Mối quan ngại xuyên suốt của Mỹ

Thực ra các nhận xét của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo không quá bất ngờ. Vì chúng phản ánh ước muốn của Washington về một mối hợp tác xuyên Đại Tây Dương lớn hơn nữa cho vấn đề thách thức từ Trung Quốc nói chung và cho các vấn đề dính đến quốc gia này, như vấn đề 5G gây chia rẽ giữa Mỹ và các nước đồng minh.

Chẳng hạn, hôm 12/11, James Risch - Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, với nội dung về góc nhìn của Quốc hội Mỹ đối với Mỹ, châu Âu, và Trung Quốc. Ông Risch chỉ rõ rằng Quốc hội Mỹ cam kết theo đuổi vấn đề này dù cho từng có những bất đồng với một số quan điểm của Tổng thống Trump.

Chuyến thăm của ông Pompeo cũng chỉ ra rằng quan hệ hợp tác giữa châu Âu và Mỹ trong chủ đề Trung Quốc là cũng có vấn đề.

Một số khía cạnh trong cách cư xử của Trung Quốc đã gây quan ngại cho cả Mỹ và một số khu vực của châu Âu. Tuy nhiên vẫn có những khác biệt trong cách nhìn nhận của mỗi bên đối với các mối quan ngại đó, tùy thuộc vào vấn đề cụ thể đang được xem xét. Một trường hợp tiêu biểu là cách tiếp cận đang thay đổi của Đức đối với Trung Quốc và mạng 5G mà ông Pompeo liên tục đề cập trong chuyến thăm của mình. Ngoài ra còn có các giới hạn về cơ cấu, như sự khác biệt giữa các nước châu Âu về cách tiếp cận đối với Trung Quốc hay các căng thẳng rộng lớn hơn trong liên minh Âu-Mỹ, một phần do chính quyền Trump đã đào sâu các bất đồng về các chính sách đối ngoại rộng hơn như vấn đề Iran và biến đổi khí hậu.

Liên minh xuyên Đại Tây Dương sẽ biến đổi ra sao liên quan đến Trung Quốc sẽ tiếp tục là một vấn đề cần theo dõi từ nay đến năm 2020 và các năm tiếp theo.

Theo Trung Hiếu

VOV.VN