Fica
  1. Quốc tế

Thách thức mới của Country Garden vài ngày sau khi thoát cảnh vỡ nợ

Đại Phú
Đại Phú

Dù chưa rơi vào cảnh vỡ nợ, tình hình tài chính của Country Garden tương đối khó khăn do lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang chìm sâu trong khủng hoảng, buộc tập đoàn này liên tục phải xin gia hạn nợ.

Công ty phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc Country Garden phải đối diện với một thách thức mới trong ngày 11/9. 

Trước tính hình tài chính khó khăn, doanh nghiệp này tiếp tục phải xin ý kiến của các chủ nợ về đề xuất gia hạn khoản nợ đáo hạn ngay trong ngày hôm nay. Cuộc bỏ phiếu của các chủ nợ sẽ kết thúc vào 22h00 giờ Bắc Kinh (21h00 giờ Việt Nam), giúp định đoạt tương lai 8 lô trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trước đề xuất gia hạn thêm ba năm nữa. 

Trước đó vài ngày, Country Garden ‘may mắn’ thoát khỏi viễn cảnh vỡ nợ chỉ vài giờ trước khi thời gian ân hạn 30 ngày đối với hơn 22 triệu USD tiền lãi trái phiếu khép lại. Đây là khoản tiền lẽ ra họ phải thanh toán vào ngày 6/8.

Country Garden liên tục phải xin hoãn nợ (Ảnh: Reuters)

Trong ngày 1/9, Country Garden thành công thuyết phục các chủ nợ chấp thuận gia hạn ba năm với các lô trái phiếu trong nước trị giá 3,9 tỷ nhân dân tệ (tương đương 533 triệu USD).  Phiên biểu quyết bị trì hoãn hai lần trước khi kết quả cuối cùng cho thấy 56,08% chủ nợ chấp thuận phương án có lợi cho tập đoàn này. 

Dù chưa rơi vào cảnh vỡ nợ, tình hình tài chính của Country Garden tương đối khó khăn do lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang chìm sâu trong khủng hoảng. Trong vòng 12 tháng tới, họ có khoảng 108,7 tỷ nhân dân tệ (tương đương 14,9 tỷ USD) tiền nợ tới hạn thanh toán trong khi chỉ còn khoảng 101,1 tỷ nhân dân tệ tiền mặt tính tới cuối tháng 6. 

Country Garden có ít nhất 5 lô trái phiếu tới hạn trả lãi ngay trong tháng 9 này, trong đó bao gồm 55 triệu USD cho hai lô trái phiếu lớn bằng đồng USD vào lần lượt các ngày 17 và 29. Cả hai nghĩa vụ thanh toán trên đều đã được ân hạn 30 ngày. 

Nếu Country Garden vỡ nợ, thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ "khó khăn chồng chất khó khăn". Thậm chí, viễn cảnh này còn là "cơn ác mộng" cho các ngân hàng trong hệ thống, đồng thời làm chậm lại quá trình hồi phục của cả nền kinh tế số hai thế giới.