Nền kinh tế Sri Lanka đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch cùng với việc giá năng lượng tăng và cắt giảm thuế (IndiaTimes). |
Đất nước Nam Á này đã không thể thanh toán khoản lãi suất 78 triệu USD sau khi thời gian ân hạn hết hạn vào hôm 18/5.
Thống đốc Sri Lanka cho biết đất nước này hiện đang trong tình trạng “vỡ nợ chủ động”.
Tình trạng vỡ nợ xảy ra khi chính phủ không thể thực hiện được một số hoặc tất cả các nghĩa vụ thanh toán của mình đối với các chủ nợ. Nó có thể hủy hoại danh tiếng của quốc gia, khiến cho quốc gia đó gặp khó khăn hơn trong việc vay những khoản tiền cần thiết ở các thị trường quốc tế. Điều này cũng có thể làm tổn hại hơn đến niềm tin vào tiền tệ và nền kinh tế của quốc gia đó.
Khi được hỏi liệu quốc gia này có rơi vào tình trạng vỡ nợ hay không, thống đốc ngân hàng trung ương Sri Lanka P Nandalal Weerasinghe cho biết: “Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, chúng tôi đã nói rằng cho đến khi họ tái cấu trúc các khoản nợ của chúng tôi, chúng tôi sẽ không thể trả nợ được. Vì vậy, đó là điều mà người ta vẫn gọi là chủ động vỡ nợ”.
“Có những định nghĩa về mặt kỹ thuật, từ phía họ có thể coi là vỡ nợ. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, cho đến khi cơ cấu lại nợ thì chúng tôi không thể trả được”, ông nhấn mạnh thêm.
Sri Lanka đang tìm cách tái cấu trúc các khoản nợ trị giá hơn 50 tỷ USD mà nước này đã vay từ các chủ nợ nước ngoài, để có thể kiểm soát tốt hơn trong việc trả nợ.
Nền kinh tế nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch cùng với việc giá năng lượng tăng và cắt giảm thuế. Tình trạng thiếu hụt ngoại tệ triền miên và lạm phát cao đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về thuốc men, nhiên liệu và các hàng hóa thiết yếu khác.
Sri Lanka đã bắt đầu đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế về một gói cứu trợ và cần đàm phán lại các thỏa thuận nợ với các chủ nợ. Trước đó, chính phủ nước này cho biết họ cần đến 4 tỷ USD để trả nợ trong năm nay.
Tháng trước, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn nhất thế giới cảnh báo rằng Sri Lanka sắp vỡ nợ. Theo đó, Fitch Ratings đã hạ mức tín nhiệm của quốc gia Nam Á này và cho rằng “quá trình vỡ nợ ở cấp quốc gia đã bắt đầu”.
S&P Global Ratings cũng đưa ra đánh giá tương tự và cho biết rằng hiện một vụ vỡ nợ là "hầu như chắc chắn xảy ra".
Nhật Linh
Theo BBC