Chiến sự leo thang tại Dải Gaza
Các chiến binh Hamas đứng cạnh một bệ phóng tên lửa ở Gaza (Ảnh: Getty Images).
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas của Palestine đang leo thang từng giờ, kho vũ khí chết người của cả 2 bên có nguy cơ biến căng thẳng thành cuộc xung đột đẫm máu nhất từ trước đến nay. Các cuộc giao tranh giữa quân đội Israel và Hamas từ đầu tuần đã khiến hơn 100 người thiệt mạng và gần 1.000 người bị thương.
Israel được cho là đã lên kế hoạch cho một cuộc tấn công trên bộ nhằm vào Dải Gaza - nơi có các mục tiêu của Hamas. Israel đã huy động 9.000 quân dự bị, trong khi binh lính và xe tăng đã được điều động tới biên giới.
Trước các cuộc tấn công liên tiếp bằng hàng nghìn tên lửa từ Hamas và các cuộc không kích ồ ạt từ Israel, Liên Hợp Quốc cảnh báo khu vực này có nguy cơ xảy ra "chiến tranh toàn diện". Lo ngại kịch bản xung đột, các nhà lãnh đạo thế giới, bao gồm Tổng thống Mỹ Joe Biden, kêu gọi các bên giảm leo thang ngay lập tức.
Kể từ sau cuộc xung đột lớn gần đây nhất tại khu vực vào năm 2014, Hamas đã tích lũy được số lượng tên lửa khổng lồ, khiến quân đội Israel "đứng ngồi không yên". Tuy nhiên, với máy bay không người lái "cảm tử", máy bay chiến đấu công nghệ cao và hệ thống phòng thủ tên lửa trị giá hàng tỷ USD, Israel không thiếu lựa chọn để "phản đòn" Hamas.
Kho tên lửa khổng lồ của Hamas
Các thành viên người Palestine của Lữ đoàn al-Qassam, một nhánh vũ trang của phong trào Hamas, giới thiệu tên lửa Qassam tự sản xuất trong cuộc diễu hành quân sự chống Israel (Ảnh: AFP).
Theo Mirror, sức mạnh vũ khí của Hamas chủ yếu dựa vào số lượng lớn tên lửa và súng cối, trong đó có nhiều loại được sản xuất tại Dải Gaza. Các cơ sở sản xuất vũ khí của Hamas đã trở thành mục tiêu chính cho các cuộc không kích của Israel.
Ngoài ra, Hamas trước đây cũng từng nhập các bộ phận vũ khí từ Iran và Syria.
Tên lửa của Hamas được thiết kế cơ bản dựa trên công nghệ thời Liên Xô, nhưng lực lượng này được cho là có kho dự trữ tên lửa khổng lồ, với số lượng từ 20.000 đến 30.000.
"Họ có ngành công nghiệp chế tạo tên lửa khá mạnh. Họ chế tạo tên lửa dựa trên các bản thiết kế và tư vấn từ Iran và những nước khác", quan chức của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Jonathan Conricus cho biết.
Theo quan chức Israel, kho vũ khí này của Hamas có hỏa lực "ngang bằng" với các nước nhỏ ở châu Âu.
Điều khiến Israel lo ngại là việc Hamas tăng cường sản xuất các hệ thống tên lửa tầm xa hơn. Theo BBC, các tên lửa này bao gồm Fajr (tầm hoạt động lên đến 100 km), R-160 (tầm hoạt động lên đến 120 km) và M-302 (tầm hoạt động lên đến 200 km).
Các tên lửa hiện đại của Hamas có thể nhắm mục tiêu vào các thành phố lớn của Israel như Jerusalem và Tel-Aviv, gây ra mối đe dọa lớn đối với dân thường.
UAV "cảm tử" của Israel
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Israel chặn một tên lửa phóng từ Dải Gaza phía trên thành phố Ashkelon, miền nam Israel (Ảnh: AFP).
Israel tự hào có một đội máy bay không người lái tiên tiến, sử dụng cho cả hoạt động quân sự và trinh sát.
Theo nhà sản xuất UVision, năm ngoái, IDF đã mua các hệ thống Hero-30 - trên thực tế là một dạng "máy bay không người lái (UAV) cảm tử" - và đã sử dụng thành công chúng trong hoạt động tác chiến.
Loại UAV hạng nhẹ này còn được gọi là "bom đạn cảm tử", vì chúng sẽ phát nổ khi gặp trúng mục tiêu, thay vì quay trở lại căn cứ quân sự.
Israel cũng đã mua công nghệ chống UAV, bao gồm một hệ thống định vị có thể gắn vào súng trường, cho phép người dùng theo dõi và bắn hạ UAV của đối phương một cách chính xác.
Công nghệ này được sản xuất bởi công ty Sharp Shooter của Israel và cũng đang được quân đội Mỹ sử dụng.
IDF ngày 12/5 tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái tìm cách xâm nhập vào Israel từ Dải Gaza.
UAV "cảm tử" của Hamas
UAV cảm tử của Hamas (Ảnh: Sputnik).
Hamas tuần này tuyên bố đã phóng đi một số UAV cảm tử Shehab mang theo thuốc nổ từ Dải Gaza tới khu vực nam Israel. Phía Israel xác nhận đã đánh chặn 2 UAV loại này.
Nhóm vũ trang của Hamas tuyên bố họ tự phát triển dòng UAV này. Tuy nhiên, The Drive cho biết đây có thể là biến thể của dòng UAV Qasef của phiến quân Houthi (Yemen) và UAV Ababil-T do Iran sản xuất.
UAV cảm tử Hamas triển khai tấn công Israel
Việc Hamas triển khai thêm UAV cảm tử với giá thành thấp (từ vài trăm tới vài nghìn USD) được xem là chiến thuật gây sức ép cho hệ thống phòng thủ tên lửa "Vòm Sắt" của Israel. Mỗi tên lửa Tamir của hệ thống này có giá 40.000-100.000 USD, khiến Israel tốn kém trong việc đánh chặn các mục tiêu giá rẻ từ Hamas.
Chiến thuật dùng các UAV và tên lửa giá rẻ tấn công kiểu bầy đàn đã được các lực lượng vũ trang quy mô nhỏ như Hamas áp dụng. Chiến thuật này đạt hiệu quả cao vì việc tấn công ồ ạt vừa gây khó khăn cho các lá chắn phòng không, vừa tạo thêm áp lực tài chính cho đối thủ vì vũ khí đánh chặn chúng quá đắt đỏ.
Máy bay chiến đấu hiện đại của Israel
Máy bay chiến đấu F-35 Lightning là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất được Israel sử dụng (Ảnh: Getty).
Nếu muốn phá hủy kho tên lửa khổng lồ của Hamas, Israel có thể triệu tập một phi đội máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới.
Israel đã thiết lập mối quan hệ quân sự chặt chẽ với Mỹ và Washington đã cung cấp cho Israel các máy bay tiên tiến bao gồm F-35 Lightning-II. Máy bay này cho phép phi công quan sát 360 độ các mục tiêu, đồng thời có hệ thống tránh radar tiên tiến giúp máy bay có khả năng tàng hình.
Paul Poitras, giám đốc của nhà sản xuất Lockheed Martin, cho biết kiểu dáng của F-35 Lightning-II được thiết kế để làm chệch hướng radar.
"Bề mặt của máy bay chiến đấu này được thiết kế để cho phép năng lượng radar truyền qua nó giống như nước chảy trên một bề mặt nhẵn", Poitras cho biết.
IDF ngày 10/5 cho biết đã triển khai 80 máy bay chiến đấu, bao gồm cả F-35, trong một chiến dịch vô hiệu hóa tên lửa của Hamas. Quân đội Israel cho biết đã nhắm mục tiêu vào hàng chục ống phóng tên lửa được đặt ở phía bắc Dải Gaza.
Hệ thống "Vòm sắt" của Israel
Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn các tên lửa phóng từ Dải Gaza hôm 12/5 (Ảnh: Reuters).
Hệ thống phòng thủ chính của Israel là Vòm Sắt trị giá hàng tỷ USD. Đây là hệ thống phòng không di động, có thể tiêu diệt tên lửa của đối phương xâm nhập vào không phận Israel.
Được triển khai lần đầu vào năm 2011, Vòm Sắt thường chặn được từ 85% - 95% tên lửa của đối phương. Theo Sputnik, IDF tuyên bố Vòm Sắt đang hoạt động với tỷ lệ thành công là 90%.
Tuy nhiên, đợt tấn công mới nhất đã trở thành phép thử lớn cho hiệu quả của Vòm Sắt.
Hệ thống Vòm Sắt của Israel đánh chặn rocket từ Dải Gaza
Trong cuộc xung đột quy mô lớn gần đây nhất ở Gaza vào năm 2014, số lượng tên lửa hàng ngày mà Vòm Sắt đánh chặn trong lúc đỉnh điểm cũng chỉ khoảng 200 quả.
Còn trong những ngày gần đây, Hamas đã tăng đáng kể số lượng tên lửa phóng đi, có thời điểm tăng lên đến hàng trăm quả chỉ trong vài phút.
Nếu Hamas tiếp tục bắn với tốc độ như vậy, tên lửa của lực lượng này sẽ gây sức ép đáng kể cho Vòm Sắt của Israel khi lá chắn hoạt động chủ yếu dựa vào hệ thống pin mạnh và đắt tiền.
Một trục trặc trong hệ thống pin được cho là nguyên nhân khiến Vòm Sắt tạm thời không thể đánh chặn các tên lửa của Hamas trong tuần này, dẫn đến cái chết của hai phụ nữ Israel trong nhà của họ ở Ashkelon.
Tường ngầm của Israel
Một sĩ quan quân đội Israel đi qua một đường hầm được sử dụng bởi các chiến binh Palestine từ Dải Gaza (Ảnh: Getty).
Kể từ khi xây dựng hàng rào biên giới Israel-Gaza, Hamas đã sử dụng mê cung các đường hầm dưới lòng đất để tiến hành các cuộc tấn công trên bộ.
Trong cuộc chiến năm 2014, cựu lãnh đạo Hamas Ismail Haniya ca ngợi mạng lưới hầm ngầm này là "một chiến lược mới trong việc đối phó với sự chiếm đóng và trong cuộc xung đột với kẻ thù từ dưới lòng đất và từ trên mặt đất".
Việc xây dựng hầm ngầm của Hamas đã dẫn đến một cuộc chạy đua vừa xây vừa phá giữa lực lượng này với Israel.
Ngoài các hoạt động tác chiến, mạng lưới hầm ngầm của Hamas cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tuồn vũ khí và hàng hóa như thực phẩm và quần áo, khi Gaza phải đối mặt với sự phong tỏa của Israel và Ai Cập.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Israel đã tìm cách bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công bất ngờ của Hamas thông qua mạng lưới đường hầm bằng cách xây dựng một bức tường ngầm dài 40 km ở biên giới.
Được hoàn thành vào tháng 3 năm nay, dự án tường ngầm được IDF ca ngợi là "yếu tố thay đổi cuộc chơi" và đặt ra mối đe dọa hiện hữu đối với Hamas, ngoài các cuộc không kích do Israel tiến hành nhằm vào các mục tiêu của Hamas tại Gaza.
Thành Đạt
Tổng hợp