Trả lời một hãng truyền thông Mỹ, bà Georgieva lập luận rằng 1/3 nền kinh tế thế giới dự kiến sẽ rơi vào suy thoái. Và “ngay cả ở những quốc gia không bị suy thoái, hàng trăm triệu người cũng sẽ cảm thấy như suy thoái”.
“Vì sao? Vì ba nền kinh tế lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc đều đang tăng trưởng chậm lại”, bà Georgieva nhấn mạnh.
Nữ quan chức nói thêm rằng Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có khả năng tăng trưởng bằng hoặc thấp hơn mức tăng trưởng toàn cầu, lần đầu tiên sau 40 năm vì số ca mắc COVID-19 đang gia tăng.
“Chuyện này chưa từng xảy ra trước đây. Nếu nhìn vào năm tới, trong ba, bốn, năm, sáu tháng tới, việc nới lỏng các biện pháp phòng chống COVID-19 sẽ khiến số ca bệnh gia tăng trên khắp Trung Quốc”, người đứng đầu IMF lưu ý. |
Bà Georgieva bày tỏ hy vọng mức tăng trưởng của Trung Quốc sẽ cải thiện vào cuối năm, nhưng nói thêm rằng có những lo ngại về quỹ đạo dài hạn của đất nước.
“Trước COVID-19, Trung Quốc chiếm 34, 35, 40% tăng trưởng toàn cầu. Nhưng điều đó không xảy ra nữa. Thực sự khá căng thẳng đối với các nền kinh tế châu Á. Khi tôi nói chuyện với các nhà lãnh đạo châu Á, tất cả họ đều bắt đầu với câu hỏi này: Điều gì sẽ xảy ra với Trung Quốc? Liệu Trung Quốc có trở lại mức tăng trưởng cao hơn không?”, bà nói.
Theo nữ quan chức, EU đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề bởi cuộc xung đột Ukraine, với một nửa khối dự kiến sẽ rơi vào suy thoái trong năm nay. Bà cũng gợi ý rằng nền kinh tế Mỹ có thể tránh được sự suy thoái vào năm 2023.
“Mỹ kiên cường nhất. Mỹ có thể tránh suy thoái. Chúng tôi thấy thị trường lao động vẫn còn khá mạnh.”
Nhận xét này được đưa ra sau khi IMF dự đoán trong báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới được công bố vào tháng 10 rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ chậm lại khoảng 2,7% vào năm tới, thấp hơn 0,2% so với dự báo hồi tháng 7.
Đây là “mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2001”, IMF lưu ý, đồng thời cho rằng “điều tồi tệ nhất vẫn chưa đến và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như một cuộc suy thoái”.
Theo Minh Hạnh (Theo Sputnik)
Tiền Phong