Fica
  1. Quốc tế

Quân đội Mỹ lên kế hoạch táo bạo: Chế tạo "tàu sân bay trên không"

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Mỹ được cho đang lên kế hoạch táo bạo nhằm chế tạo loại máy bay có khả năng phóng ra và thu về các máy bay nhỏ hơn - cơ chế hoạt động tương tự tàu sân bay trên biển.

Quân đội Mỹ lên kế hoạch táo bạo: Chế tạo tàu sân bay trên không - 1

Một chiếc XQ-58A (Ảnh: National Interest).

Theo National Interest, máy bay không người lái tàng hình (UAV) XQ-58A Valkyrie của Mỹ gần đây đã thực hiện vụ phóng thành công một UAV cỡ nhỏ hơn mang tên Area-I từ trong khoang chứa bom trong khuôn khổ một cuộc thử nghiệm do cơ quan nghiên cứu không quân Mỹ thực hiện.

Đây là chuyến bay thử nghiệm thứ 6 của Valkyrie và lần đầu tiên cửa khoang vũ khí được mở trong chuyến bay. Để có thể thả được UAV nhỏ hơn ra, chiếc XQ-58A đã phải bay cao và nhanh hơn so với những chuyến trước đó.

XQ-58A Valkyrie là một trong những dự án trọng tâm của nhà thầu Kratos nhằm chế tạo ra UAV tàng hình giá cả phải chăng, trọng lượng nhẹ. Nó nằm trong chương trình công nghệ máy bay giá thành thấp của không quân Mỹ.

Mỹ kỳ vọng sáng kiến này sẽ giúp cho các chỉ huy trên chiến trường có khả năng điều phối UAV tàng hình, khó phát hiện và giá thành đủ hợp lý để trong kịch bản nó bị bắn rơi trên chiến trường thì vẫn chấp nhận được.

Ngoài ra, với tính năng tàng hình, Valkyrie có thể hoạt động như một trinh sát cơ cho các máy bay tàng hình có người lái như F-22 Raptor hoặc F-35. Mặc dù Valkyrie có thể sẽ có tốc độ tối đa thấp hơn đáng kể và tải trọng vũ khí nhỏ hơn, việc là nó UAV sẽ khiến nó trở thành một lựa chọn hấp dẫn trên chiến trường.

Việc thả các UAV cỡ nhỏ ra khỏi khoang chứa bom sẽ giúp tăng cường thêm khả năng tấn công của các vũ khí này.

Sáng kiến "tàu sân bay trên không trung"

Quân đội Mỹ lên kế hoạch táo bạo: Chế tạo tàu sân bay trên không - 2

Hình ảnh mô phỏng UAV Gremlin (Ảnh: DARPA).

Cơ chế phóng và thu về máy bay nhỏ hơn từ một máy bay lớn trong tác chiến có điểm tương đồng với các hàng không mẫu hạm hoạt động dưới nước.

Tuy nhiên, theo The Economist, trong tương lai các tàu sân bay có thể trở thành các mục tiêu ngày càng dễ bị tổn thương trong thực chiến. Hệ thống vệ tinh, radar bao trùm toàn khu vực đồng nghĩa với việc đối thủ có thể xác định vị trí của tàu sân bay ngày càng chính xác. Thêm vào đó, hệ thống vũ khí mới và hiện đại của các đối thủ cũng khiến Mỹ lo ngại về viễn cảnh tàu sân bay - biểu tượng sức mạnh của họ - có thể bị tấn công.

Chính vì vậy, Mỹ được cho đang tận dụng lại một ý tưởng vốn đã có từ thế kỷ trước nhằm biến một máy bay trở thành "tàu sân bay" có thể cất cánh và phóng ra cũng như thu về một đội UAV khi đang bay. 

Cơ quan Nghiên cứu các dự án cao cấp (DARPA), trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, đang vận hành một chương trình tên là Gremlin. Mỗi chiếc UAV Gremlin nặng 680 kg và có sải cánh 3,5 m. Một khi được thả xuống, chúng có thể bay xa đến 500 km. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Gremlin sẽ quay về "tàu sân bay" trên không.

Gremlin hoạt động theo nhóm, dưới sự kiểm soát của con người. Ý tưởng này giống với đội UAV "Loyal Wingman", nhưng khác biệt ở chỗ "Loyal wingman" cất và hạ cánh từ mặt đất hoặc trên tàu chiến. Trong khi đó, Gremlin chỉ hoạt động và rút về trên các máy bay chuyên chở nó.

Nhiệm vụ của Gremlin sẽ là đánh chặn thông tin liên lạc, gây nhiễu tín hiệu và tìm kiếm phá hủy. UAV này có thể được trang bị tên lửa nhỏ hoặc thuốc nổ để thực hiện một vụ tấn công cảm tử nếu cần thiết. Chúng có thể chia sẻ dữ liệu lẫn nhau và truyền thông tin về chiến hạm hoặc máy bay có khả năng phóng ra các tên lửa lớn hơn khả năng mang của Gremlin.

Giá trị của mỗi chiếc Gremlin dự kiến rơi vào 800.000 USD và Mỹ có thể đặt hàng 1.000 chiếc nếu dự án khả thi. Giá thành ở mức vừa phải sẽ giúp việc "hy sinh" một vài chiếc UAV nhằm đánh bại phòng không đối phương trở thành một vụ đánh đổi có lợi.

"Tàu sân bay trên không" chuyên chở Gremlin có thể là một chiếc máy bay vận tải C-130 cải tiến. Mỗi chiếc này có thể mang tối đa 4 UAV như Gremlin. Thách thức lớn nhất hiện tại với các chuyên gia là cách thu hồi các UAV này như thế nào để hiệu quả, an toàn và nhanh chóng. Mỹ vẫn đang nghiên cứu phương án này.

Đức Hoàng

Theo National Interest, The Economist