Fica
  1. Quốc tế

Phố Wall ngày càng quan ngại về việc Fed trì hoãn giảm lãi suất

Đà suy yếu của lạm phát trong ba tháng gần nhất, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp chính là cội nguồn quan ngại.

Ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế phố Wall cảm thấy quan ngại trước thực tế Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục trì hoãn quyết định giảm lãi suất điều hành, hiện đang ở trên đỉnh hơn hai thập kỷ. 

Đà suy yếu của lạm phát trong ba tháng gần nhất, cùng với đó là tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế và sự gia tăng tỷ lệ thất nghiệp là những yếu tố khiến họ trở nên nóng lòng hơn bao giờ hết, qua đó lên tiếng kêu gọi Ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất ngay trong kỳ họp diễn ra trong hai tuần tới. 

Tuy nhiên, khả năng điều đó xảy ra không cao. Chủ tịch Fed Jerome Powell, trong một sự kiện hồi đầu tuần tại Washington, cho biết ông sẽ không hé lộ bất cứ thông tin gì liên quan tới thời điểm cơ quan này sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất. Trong khi đó, các cộng sự của ông trong Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC) dường như vẫn chưa cảm thấy sự cấp thiết phải nới lỏng chính sách tiền tệ. 

Thế nhưng rủi ro của việc đợi chờ quá lâu ngày càng tăng lên. Điều này được thể hiện qua quan điểm của ngày càng nhiều các chuyên gia phố Wall có tiếng bao gồm Kinh tế trưởng Goldman Sachs - Jan Hatzius, Chủ tịch Queens’ College - El-Erian và Neil Dutta, trưởng nhóm phân tích tại Renaissance Macro Research. 

“Chúng tôi nhìn thấy cơ sở vững chãi cho việc cắt giảm lãi suất ngay trong cuộc họp ngày 30-31/7 tới”, Hatzius chia sẻ trong báo cáo công bố ngày 15/7. “Nếu lý do cắt giảm đã rõ ràng, vì sao Fed cần phải đợi thêm 7 tuần nữa?”, ông bổ sung. 

Tâm lý quan ngại về nền kinh tế gia tăng trên phố Wall

FOMC được dự báo sẽ tiếp tục giữ  nguyên lãi suất trong kỳ họp tháng 7. Nếu chính xác, đây sẽ là lần thứ 8 liên tiếp cơ quan này thực hiện điều đó, đánh dấu tròn một năm “án binh, bất động”. 

Gần đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận kết quả lạm phát gần đây “giúp gia tăng thêm sự tự tin” về khả năng hiện thực hóa mục tiêu lạm phát ở ngưỡng 2%. Hiện tại, lạm phát không còn là mối lo duy nhất mà Fed phải đối mặt khi tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ gia tăng trong tháng 6. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định Fed cần thêm những bằng chứng trước khi hành động. 

Lời kêu gọi Fed giảm lãi suất xuất hiện ngày một nhiều sau khi báo cáo lạm phát tháng 6 được công bố với tốc độ tăng của chỉ số CPI xuống ngưỡng thấp nhất 3 năm. Trong khi đó, dù vẫn thấp nhưng tỷ lệ thất nghiệp liên tục đi lên trong ba tháng gần nhất, qua đó làm gia tăng quan ngại suy thoái. 

“Chờ đợi quá lâu có thể khiến tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục gia tăng trong khi không khiến lạm phát giảm quá nhanh”, Drew Matus, Giám đốc chiến lược tại MetLife Investment Management, nhận định. 

Kể từ sau khi báo cáo lạm phát được công bố, hai quan chức Fed, bao gồm Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee và Chủ tịch Fed San Francisco Mary Daly, đã nhấn mạnh thực tế Fed đang rất gần sự tự tin cần thiết để cắt giảm lãi suất. Tuy nhiên, một số thành viên khác vẫn giữ quan điểm thận trọng khi hành động quá sớm. Lý do là bởi quá trình kéo giảm lạm phát diễn ra không hề bằng phẳng, và điều đó đã được thể hiện qua số liệu ba tháng đầu năm. 

“Có nhiều bài học nhãn tiền khi tuyên bố thắng trận quá sớm”, Michael Pugliese, Chuyên gia kinh tế cấp cao tới từ Wells Fargo, nhân định. “Họ hoàn toàn có cơ sở để chờ đợi tới cuộc họp tháng 9”, ông cho biết.

Đại Phú