Fica
  1. Quốc tế

Phố Wall kết thúc năm 2022 với mức lỗ hàng năm lớn nhất kể từ năm 2008

Quỳnh Ngọc
Quỳnh Ngọc

Thị trường chứng khoán Mỹ đóng cửa phiên cuối cùng của năm 2022 trong sắc đỏ, khép lại một năm thua lỗ nặng nề nhất kể từ năm 2008, thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều đánh dấu mức giảm theo năm đầu tiên kể từ năm 2018 khi kỷ nguyên chính sách tiền tệ lỏng lẻo kết thúc với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980.

Cụ thể, chỉ số S&P 500 đã giảm 19,4% trong năm nay, tương đương vốn hóa thị trường “bốc hơi” gần 8.000 tỷ USD. Chỉ số Nasdaq thiên về các ngành công nghệ cũng giảm 33,1%, trong khi đó chỉ số Dow Jones giảm 8,9%.

chứng khoán Mỹ _Reuters.jpg

Cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều đánh dấu mức giảm theo năm đầu tiên kể từ năm 2018 (Ảnh: Reuters).

Theo Reuters, mức giảm phần trăm hàng năm của cả 3 chỉ số trên đều lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Nguyên nhân phần lớn đến từ sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu tăng trưởng do lo ngại việc tăng lãi suất của Fed sẽ làm tăng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ.

“Các lý do vĩ mô chính đến từ sự kết hợp của các sự kiện như gián đoạn chuỗi cung ứng bắt đầu từ năm 2020 tiếp diễn, lạm phát tăng vọt, sự chậm trễ của Fed trong chương trình thắt chặt lãi suất để kiềm chế lạm phát khi mới ban đầu”, Sam Stovall, giám đốc chiến lược đầu tư tại CFRA Research.

Ông cũng trích dẫn các số liệu kinh tế cho thấy suy thoái kinh tế, căng thẳng địa chính trị bao gồm cuộc chiến Ukraine, số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh ở Trung Quốc…

Các cổ phiếu tăng trưởng đã chịu áp lực do lợi suất tăng trong phần lớn năm 2022 và hoạt động kém hiệu quả hơn so với các cổ phiếu giá trị, vì vậy xu hướng tăng kéo dài trong phần lớn thập kỷ qua đã bị đảo ngược.

Theo đó, cổ phiếu của các gã khổng lồ như Apple, Alphabet, Microsoft, Nvidia, Amazon, Tesla nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất trong rổ chỉ số S&P 500, với mức giảm từ 28% đến 66% trong năm 2022.

Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 30,1% trong năm nay, trong khi chỉ số giá trị giảm 7,4% khi nhà đầu tư chuộng các ngành mang lại cổ tức cao, thu nhập ổn định như ngành năng lượng.

Do giá dầu tăng vọt nên các cổ phiếu năng lượng đã ghi nhận mức tăng hàng năm xuất sắc nhất trong năm nay với mức tăng 59%.

Trong khi đó, 10 trong tổng số 11 nhóm ngành của chỉ số S&P đã giảm trong phiên cuối tuần, dẫn đầu là bất động sản và ngành tiện ích.

“Thị trường nhà ở đã thực sự chậm lại và giá trị nhà ở của người dân cũng đã giảm mạnh so với mức cao hồi đầu năm. Điều đó đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân và tác động đến việc chi tiêu của họ”, J. Bryant Evans, cố vấn đầu tư và quản lý danh mục đầu tư tại Cozad Asset Management ở bang Illinois (Mỹ), cho biết.

Trong khi đó, các dự đoán về triển vọng thu nhập năm 2023 đều gia tăng lo ngại về khả năng xảy ra suy thoái.

Dẫu vậy, các dấu hiệu về khả năng hồi phục của kinh tế Mỹ đã dấy lên lo ngại rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng cao, mặc dù áp lực lạm phát giảm bớt cũng làm gia tăng hy vọng tốc độ tăng lãi suất sẽ chậm lại.

65% thành viên thị trường tiền tệ nhận định, khả năng Fed sẽ tăng lãi suất ở mức 0,25% trong cuộc họp diễn ra vào tháng 2, với mức lãi suất dự kiến đạt đỉnh ở mức 4,97% vào giữa năm 2023.

Nhật Linh

Theo Reuters