Kỳ vọng về quá trình nới lỏng chính sách tiền tệ mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thực hiện trong năm nay liên tục sụt giảm trước một loạt các dữ liệu kinh tế mạnh, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới thành quả kéo giảm lạm phát mà Fed thực hiện suốt hơn hai năm qua.
Và tín hiệu phát đi bởi Chủ tịch Fed Jerome Powell thậm chí khiến không ít người lo sợ sẽ chẳng có lần cắt giảm lãi suất nào được thực hiện trong năm 2024.
Trong bài phát biểu mới nhất, ông Powell cho biết “quá trình đưa lạm phát về ngưỡng mục tiêu 2% đang “thiếu đi sự tiến triển”, điều đó đồng nghĩa với thực tế “cần nhiều thời gian hơn” để Ngân hàng trung ương Mỹ thu thập đủ sự tự tin để bắt đầu nới lỏng chính sách.
Kỳ vọng Fed sớm giảm lãi suất không còn cao như trước |
“Nền kinh tế đang đi đúng hướng mà họ muốn. Giờ họ chỉ tập trung vào dữ liệu lạm phát mà thôi. Vậy yêu cầu mà họ đặt ra là gì? Tôi cho rằng họ cần 2 hoặc 3 tháng liên tiếp dữ liệu cho thấy lạm phát suy yếu một cách bền vững về phía mục tiêu 2%. Điều đó có thể xảy ra vào tháng 9 năm nay. Trước thời điểm đó, sẽ không có lần cắt giảm lãi suất nào được thực hiện”, Mark Zandi, Kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nhận định.
Với việc dữ liệu lạm phát vài tháng gần đây neo quanh ngưỡng 3% và biến động không quá mạnh, Ngân hàng trung ương Mỹ “có phần bối rối” khi nói về điểm cuối của quá trình thắt chặt chính sách. Dù đưa ra dự báo về ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay (kết quả khảo sát công bố trong cuộc họp tháng 3), các quan chức Fed gần đây đều mang tâm thế thận trọng khi ủng hộ Ngân hàng trung ương Mỹ không cần vội vã hạ lãi suất điều hành.
Kỳ vọng của phố Wall về thời điểm bước cắt giảm đầu tiên được thực hiện cũng có những thay đổi nhanh chóng. Đầu tháng 4, nhà đầu tư trên thị trường dự báo có tới hơn 70% xác suất Fed sẽ tiến hành giảm lãi suất vào kỳ họp tháng 6. Nhưng hiện tại, kỳ vọng đã đổ dồn về tháng 9 với khả năng lên tới 71%, theo công cụ FedWatch của CME Group. Đối với lần cắt giảm tiếp theo, thị trường đang nghiên theo hướng xảy ra vào tháng 12.
Không cắt giảm trong năm 2024?
Tâm lý thiếu chắc chắn đang lan rộng khắp phố Wall. Thậm chí, phương án Fed không thực hiện bất cứ lần cắt giảm nào trong năm nay cũng được tính đến. Dù xác suất điều này xảy ra mới chỉ dừng lại ở ngưỡng 11% nhưng đây vẫn là một khả năng không thể xem nhẹ.
Ví dụ, nhóm chuyên gia tới từ Bank of America nhận định “rủi ro” Fed không cắt giảm lãi suất cho tới năm 2025 hoàn toàn tồn tại dù họ vẫn giữ nguyên dự báo Fed sẽ chỉ cắt giảm lãi suất một lần vào tháng 12 năm nay.
“Chúng tôi cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ chưa cảm thấy thực sự thoải mái khi kích hoạt chu kỳ nới lỏng vào tháng 6 hoặc thậm chí là tháng 9”, Chuyên gia Stephen Juneau (BofA), chia sẻ. “Nói tóm gọn lại, đây chính là biểu hiện dễ hiểu của Fed khi quá phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. Với thực tế lạm phát cao hơn kỳ vọng trong giai đoạn đầu năm, không quá ngạc nhiên khi Fed không tỏ ra vội vã cắt giảm lãi suất”, ông nhận định.
Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với thực tế hy vọng lạm phát quay lại xu hướng suy yếu trong thời gian tới đã hoàn toàn tắt ngấm.
Citigroup vẫn kỳ vọng Fed bắt đầu nới lỏng chính sách vào tháng 6 hoặc tháng 7 đồng thời có nhiều lần cắt giảm lãi suất trong năm nay. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng như các quan chức Fed khác “sẽ ngạc nhiên trong vui vẻ” trước dữ liệu lạm phát một vài tháng tới”, Chuyên gia Andrew Hollenhorst (Citi), chuyên gia Citi, chia sẻ. Ông bổ sung rằng “Fed sẽ tiến hành cắt giảm lãi suất khi lạm phát lõi tăng chậm lại hoặc nền kinh tế bộc lộ sự suy yếu”.
Bên cạnh đó, Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo Fed sẽ tiến hành giảm lãi suất muộn hơn nhưng sự thay đổi cũng chỉ vỏn vẹn 1 tháng (từ tháng 6 sang tháng 7) khi “xu hướng giảm phát vẫn tồn tại”, Jan Hatzius, Kinh tế trưởng của đơn vị này, nhận định.
Nguy hiểm vẫn còn
Nếu đúng như vậy, “tâm lý chần chừ cắt giảm lãi suất sẽ được gỡ bỏ và Fed sẽ tiến về phía trước”, Krishna Guha, Giám đốc chiến lược ngân hàng trung ương và chính sách toàn cầu tại Evercore ISI. Tuy nhiên, Guha nhấn mạnh có quá nhiều khả năng có thể xảy ra trong đó bao gồm khả năng lạm phát tiếp tục neo cao đi liền với khả năng sai lầm chính sách. Dù nền kinh tế thể hiện sức chống chịu tốt, lãi suất cao có thể tác động tiêu cực tới sự ổn định của thị trường lao động, của thị trường tài chính với ví dụ điển hình nhất là sự sụp đổ của nhiều ngân hàng khu vực hồi năm ngoái.
Còn theo Mark Zandi (Moody’s Analytics), sai lầm chính sách “chính là rủi ro lớn nhất đối với kinh tế Mỹ ở thời điểm hiện tại. “Khi nói đến hệ thống tài chính, chúng ta cần phải thận trọng. Fed mong muốn cần thêm những bằng chứng về đà suy yếu của lạm phát cũng như nền kinh tế. Nhưng ở mức độ nào? Nếu tôi là thành viên Ủy ban thị trường mở liên bang, tôi sẽ quyết liệt ủng hộ phương án cắt giảm lãi suất”, ông nói.
Đại Phú