Fica
  1. Quốc tế

Philippines lo ngại làn sóng lao động nhập cư ồ ạt từ Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Làn sóng người lao động từ Trung Quốc từ khi Tổng thống Duterte lên nắm quyền đã khiến tình trạng giá mua và thuê nhà tại Philippines tăng cao. Thậm chí, có người còn ví làn sóng này với "sự xâm chiếm".

Philippines lo ngại làn sóng lao động nhập cư ồ ạt từ Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte thúc đẩy mối quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền (Ảnh: GMA)

Có bao nhiêu công dân Trung Quốc đang làm việc tại Philippines cả hợp pháp lẫn không hợp pháp? Chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte không biết hoặc không muốn nói, theo một cuộc điều trần tại thượng viện gần đây.

Theo SCMP, thượng nghị sĩ Joel Villanueva đã không giấu được sự giận dữ khi ông chỉ trích các quan chức thuộc Cục di cư và Bộ lao động và việc làm trong cuộc điều trần hồi tháng trước.

"Điều đó rành rành ra. Các tài liệu cho thấy các ông đang cấp các giấy phép lao động nước ngoài, nhưng có rất nhiều lao động Trung Quốc và từ các con số, rõ ràng có các lao động bất hợp pháp", ông Villanueva nói.

Ông Villanueva muốn biết liệu các lao động Trung Quốc có lấy đi các việc làm của người Philippines hay không, khi khoảng 3,8 triệu người Philippines thất nghiệp tính tới tháng 7/2018. Luật Philippines cho phép người nước ngoài làm các công việc mà người Philippines không đủ tiêu chuẩn để làm.

Cuộc điều trần kéo dài 2 giờ tại thượng viện đã không đưa ra được con số có bao nhiêu lao động Trung Quốc tới Philippines kể từ khi Tổng thống Duterte nhậm chức vào năm 2016.

Tuy nhiên, các số liệu mà tạp chí This Week in Asia có được cho hấy các công dân Trung Quốc đang làm việc hợp pháp trong nghề chơi bạc trực tuyến, và các lĩnh vực nơi người Philippines đủ tiêu chuẩn, như chế tạo và xây dựng.

Các số liệu cho thấy từ năm 2016 đến tháng 5/2018,  Bộ Lao động và Việc làm Philippines đã cấp 53.311 giấy phép lao động nước ngoài, trong đó có 18.557 giấy phép cấp cho các công dân Trung Quốc trong các hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; 10.560 giấy phép trong lĩnh vực nghệ thuật, giải trí, bao gồm đánh bài; 7.754 trong lĩnh vực liên lạc và thông tin; 4.716 giấy phép trong lĩnh vực chế tạo và 2.884 giấy phép trong lĩnh vực xây dựng.

Người di cư từ Trung Quốc là một chủ đề nhạy cảm đối với người Philippines, nhiều trong số họ phẫn nộ về việc phải cạnh tranh khốc liệt hơn về việc làm và nhà ở, và bởi sự tăng cường quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

"Họ ở khắp nơi", một người dân tại làng Salcedo, ngoại ô thành phố Makati, cho biết.

Tại Muntinlupa, một thành phố thuộc vùng đô thị Manila, một người dân tên là Remy đã ví làn sóng lao động ồ ạt từ Trung Quốc với một cuộc xâm chiếm. "Người Trung Quốc đang xâm chiếm các đảo của chúng tôi ở biển Tây Philippines và giờ đây họ lại ở trong tòa nhà chung cư của tôi. Đó là một cuộc xâm chiếm nhà ở".

Trong một cuộc điều trần hồi tháng trước, Thượng nghị sĩ Villanueva đã nói rằng gần đây ông "cảm thấy như đang ở Trung Quốc" vì số lượng lớn người Trung Quốc rất đông mà ông quan sát thấy tại trung tâm mua sắm Mall of Asia bên vịnh Manila.

Thượng nghị sĩ Villanueva cũng bày tỏ lo ngại về làn sóng người di cư từ Trung Quốc có thể làm gia tăng giá mua và thuê nhà. Ông nêu tên một số tòa nhà chung cư cao tầng quanh Manila và ngoại ô thủ đô mà giờ đây tràn ngập các lao động mới đến từ Trung Quốc. Ông cũng đề cập tới một đề nghị cho thê 400 căn nhà chung cư để phục vụ 3.000 lao động Trung Quốc tại thành phố Muntinlupa mà gần đây đã lan truyền nhanh chóng trên mạng.

Các ước tính không chính thức được Bloomberg công bố cho thấy số lượng các công dân Trung quốc làm việc tại Philippines vào khoảng 100.000 người, gấp đôi số giấy phép lao động nước ngoài mà Bộ Lao động và việc làm Philippines cấp từ 2016-2018.

Teresita Ang-See, đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Kaisa, ước tính số lượng công dân Trung Quốc làm việc hợp tác và bất hợp pháp tại Philippines cao hơn nhiều. Hồi tháng 9, Cục di dân đã bắt giữ 34 người Trung Quốc làm việc trái phép tại Manila.

Tuy nhiên, Tổng thống Duterte cũng cảnh báo các quan chức di cư nên thận trọng, vì số lượng người Philippines làm việc tại Trung Quốc cũng rất đông.

Gulf News dẫn lời Bộ trưởng Bộ Lao động và việc làm Philippines Silvestre Bello cho biết có 12.254 người Philippines làm việc chính thức tại Trung Quốc, nhưng ước tính có tới 200.000 Philippines làm việc bất hợp pháp tại đó tính đến năm 2016.

An Bình