Quyết định này đồng nghĩa sẽ không có thêm thùng dầu nào đến châu Âu nhằm thay thế các thùng dầu Nga bị trừng phạt.
Trong khi đó, hồi đầu tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cấm vận dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Nga trong gói trừng phạt thứ 6 đang được thảo luận của khối này. Chủ tịch EC Ursual von der Leyen cho biết lệnh cấm vận dầu thô sẽ có hiệu lực sau 6 tháng nữa và lệnh cấm vận các sản phẩm hóa dầu sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay.
EU hiện nhập khẩu khoảng 3,5 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm hóa dầu từ Nga, chiếm khoảng một nửa tổng lượng xuất khẩu của Nga và chiếm 1/4 lượng nhập khẩu của EU. 6 tháng được cho là khoảng thời gian để các nước thành viên EU tìm kiếm nguồn cung thay thế. Tuy nhiên, OPEC+ không có ý định tăng sản lượng để giúp EU.
OPEC+ không có ý định tăng sản lượng để giúp EU (Ảnh: Reuters). |
Theo nguồn tin của Reuters tại cuộc họp của OPEC hôm thứ 5 tuần trước, các đại biểu “đã tránh hoàn toàn các cuộc thảo luận về các lệnh trừng phạt Nga, kết thúc cuộc thảo luận với thời gian ngắn kỷ lục chưa đến 15 phút”.
“OPEC+ tiếp tục coi đây là vấn đề của phương Tây và không phải là vấn đề nguồn cung cơ bản mà tổ chức này phải giải quyết”, Callum Macpherson, người đứng đầu ngành hàng hóa tại Investec, cho biết.
Hồi tháng 3, Tổng thư ký OPEC+ Mohammed Barkindo cũng đã cảnh báo không có nguồn dự phòng nào trên thế giới để bù đắp cho lệnh cấm vận hoàn toàn đối với xuất khẩu dầu của Nga. Dầu thô và các sản phẩm hóa dầu của Nga cung cấp ra thị trường khoảng 7 triệu thùng/ngày.
Tuy nhiên, hãng Rystad Energy ước tính, Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Iraq cùng có công suất sản xuất dự phòng khoảng 4 triệu thùng/ngày. “Hầu hết các quốc gia này đều có khả năng lưu trữ trong nước, có nghĩa là có thể xuất khẩu vài triệu thùng trong vài tuần”, Louise Dickson, nhà phân tích của công ty tư vấn năng lượng Na Uy này cho hay.
Xét về nguồn cung thì đây là tin tốt đối với EU. Nhưng về mặt giá cả thì đó lại là vấn đề hoàn toàn khác. Bởi EU phải nhận thức rằng không thể đảm bảo nguồn cung thay thế với mức giá tương đương phải chăng được.
Tuy nhiên, trong tình huống này, Saudi Arabia, Iraq, Kuwait và UAE đều không có động lực để giảm giá dầu. Ngược lại, họ sẽ làm như những gì họ đang làm, đó là tăng sản lượng ở mức khiêm tốn và tận hưởng sự leo thang của giá dầu bất chấp người ta cho rằng giải pháp để hạ nhiệt giá dầu là giá cao (giá cao sẽ hạn chế cầu, từ đó hạ nhiệt giá).
Mặc dù OPEC từ chối thảo luận về vấn đề này nhưng lệnh trừng phạt của EU đối với dầu Nga được chứng minh là có lợi cho các nhà sản xuất OPEC. Nó đã làm nên điều kỳ diệu cho giá dầu và giá khí đốt, đặc biệt là với nhiều nhà sản xuất OPEC mà về mặt kỹ thuật họ không thể thúc đẩy sản lượng.
Với phản ứng của OPEC như thế, khả năng thay đổi mọi thứ trong 6 tháng tới nếu EU thông qua lệnh cấm vận, là điều đáng ngờ. Ngay cả việc Mỹ có khả năng lấp đầy khoảng trống dầu mỏ cho EU cũng không chắc chắn.
Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), sản lượng dầu thô của nước này trong năm nay sẽ chỉ tăng thêm 800.000 thùng/ngày. Có thể Mỹ sẽ tiếp cận kho dự trữ của mình để gửi thêm dầu sang cho các đồng minh châu Âu. Nhưng trước đó, nước này đã tuyên bố giải phóng 180 triệu thùng từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược để hạ nhiệt giá nhiên liệu bán lẻ trong nước. Mới đây, Nhà Trắng cho biết họ đang có kế hoạch mua lại 60 triệu thùng dầu để bổ sung vào kho dự trữ trong những năm tới.
EU muốn có thời gian 6 tháng để tìm kiếm nguồn cung thay thế trước khi ngừng nhập dầu thô của Nga. Đó cũng là 6 tháng để Nga có thể chuyển hướng sang phía đông nhiều hơn. Đây không phải là điều mà Brussels muốn nói tới nhưng đó là vấn đề quan trọng.
Nếu không có OPEC, EU có thể sẽ phải thông báo cho người dân tin xấu giá xăng dầu và vận tải sẽ tăng vọt hơn cả mức mà họ tưởng tượng.
Nhật Linh
Theo Oil Price