OPEC bế tắc với kế hoạch sản lượng dầu khi UAE từ chối phối hợp (Ảnh: Reuters).
Tình trạng bế tắc tạm thời chưa từng có bắt đầu diễn ra từ hồi đầu tháng 7 khi UAE từ chối phối hợp với kế hoạch sản lượng của OPEC mà đứng đầu là Saudi Arabia.
UAE đã yêu cầu tăng mức cơ sở cho sản lượng dầu thô - mức tối đa mà OPEC công nhận có thể sản xuất - vì con số này sau đó được dùng để xác định mức cắt giảm sản lượng cũng như hạn ngạch của mỗi nước theo thỏa thuận sản lượng của nhóm. Từ đó các thành viên sẽ cắt giảm cùng một tỉ lệ phần trăm dựa trên mức cơ sở của họ. Vì vậy, nếu mức cơ sở cao hơn sẽ cho phép UAE có hạn ngạch sản xuất lớn hơn.
Ban đầu UAE kêu gọi nâng mức sản lượng cơ sở của nước này từ 3,2 triệu thùng/ngày lên 3,8 triệu thùng/ngày. Theo nguồn tin được Wall Street Journal trích dẫn, Saudi Arabia và nước láng giềng nhỏ hơn này đã đạt được thỏa thuận nâng mức cơ sở cho UAE lên 3,65 triệu thùng/ngày kể từ tháng 4/2022.
Tuy nhiên, thông tin này vẫn chưa được xác nhận chính thức. OPEC và Bộ trưởng năng lượng của Saudi Arabia chưa có bình luận gì về thông tin này.
Trước đó, trong cuộc họp của OPEC+ diễn ra từ ngày 1/7, ban đầu các đại biểu OPEC đều ủng hộ đưa sản lượng chung tăng thêm 400.000 thùng/ngày từ tháng 8 cho đến cuối năm 2022. Điều này sẽ chấm dứt mức hạn ngạch vẫn đang tồn tại từ mùa xuân năm ngoái đến nay trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi, nhu cầu dầu ngày càng tăng khiến giá dầu thô lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2018.
Nhật Linh
Theo CNBC