Fica
  1. Quốc tế

OPEC+ chốt giảm 2 triệu thùng/ngày để tăng giá dầu, bất chấp áp lực từ Mỹ

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Nhóm các nhà sản xuất dầu quyền lực nhất thế giới vừa đồng ý cắt giảm sâu sản lượng bất chấp lời kêu gọi bơm thêm từ Mỹ để hạ nhiệt giá dầu, hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu.

Trong cuộc họp trực tiếp tại Vienna (Áo) hôm qua, các bộ trưởng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga (gọi tắt là OPEC+) đã quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11.

Trước đó, những người tham gia thị trường kỳ vọng OPEC+ sẽ cắt giảm sản lượng trong khoảng từ 500.000 thùng/ngày đến 2 triệu thùng/ngày.

OPEC+ chốt giảm 2 triệu thùng/ngày để tăng giá dầu, bất chấp áp lực từ Mỹ - 1

OPEC+ đã quyết định giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11 để hãm đà rơi của giá dầu (Ảnh: Reutes).

Động thái này là sự đảo ngược lớn trong chính sách sản xuất của liên minh này gần đây. Sau khi cắt giảm sản lượng kỷ lục 10 triệu thùng/ngày vào đầu năm 2020 do dịch Covid-19 làm giảm nhu cầu về dầu, nhóm các nước sản xuất dầu mỏ này đã tăng dần sản lượng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng một số thành viên đã không thể hoàn thành hạn ngạch đó.

Sau khi vọt tăng lên mức 120 USD/thùng, giá dầu đã bắt đầu quay đầu giảm từ tháng 6, xuống khoảng 80 USD/thùng, do lo ngại suy thoái toàn cầu ngày càng tăng.

Do đó, bất chấp áp lực từ Mỹ, OPEC+ vẫn quyết định giảm sản lượng kể từ tháng 11 để chặn đà giảm của giá dầu. Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã liên tục kêu gọi nhóm này bơm thêm dầu để hạ nhiệt giá năng lượng trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng tới.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau đó, Tổng thư ký OPEC Haitham Al Ghais đã bảo vệ quyết định cắt giảm sản lượng của tổ chức này và khẳng định OPEC+ đang tìm cách cung cấp "an ninh và ổn định cho thị trường năng lượng".

Khi được hỏi liệu liên minh làm vậy có phải vì mức giá hay không, ông Al Ghais cho rằng: "Mọi thứ đều có giá. An ninh năng lượng cũng là một cái giá".

Ngay sau tuyên bố cắt giảm sản lượng của OPEC+, Nhà Trắng đã bày tỏ sự thất vọng trước "quyết định thiển cận của OPEC+ trong việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất khi nền kinh tế đang tiếp tục đối phó với những tác động tiêu cực của cuộc chiến Ukraine".

Thông báo của Nhà Trắng cho biết ông Biden đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Năng lượng Mỹ giải phóng thêm 10 triệu thùng từ kho dầu dự trữ chiến lược của Mỹ trong tháng tới.

Giới phân tích cho rằng, tác động của việc cắt giảm này không lớn, do chủ yếu là Saudi Arabia, UAE, Iraq và Kuwait đóng vai trò chính trong việc cắt giảm này. Hơn nữa, OPEC+ sẽ rất khó đưa ra quan điểm cho 1-2 tháng tới khi thị trường năng lượng đối mặt với sự không chắc chắn do lệnh trừng phạt của châu Âu đối với Nga, bao gồm bảo hiểm vận chuyển, áp trần giá và giảm nhập khẩu xăng.

"Nói một cách khác, sứ mệnh của OPEC là đảm bảo môi trường giá cả ổn định cho cả người tiêu dùng lẫn nhà sản xuất. Nhưng quyết định giảm sản lượng trong môi trường hiện tại đang đi ngược với mục tiêu này", ông Stephen Brennock, nhà phân tích cấp cao của PVM Oil Associates, nói trong một ghi chú.

Ông cho rằng, việc siết chặt hơn nữa nguồn cung vốn đang eo hẹp sẽ là cái tát vào mặt người tiêu dùng. Hành động ích kỷ này hoàn toàn là nhằm mang lợi cho nhà sản xuất. Nói tóm lại, OPEC+ đang ưu tiên về giá hơn là sự ổn định trong bối cảnh thị trường dầu đang có nhiều bất ổn".

Nói với CNBC, ông Rohan Reddy, Giám đốc nghiên cứu tại Global X ETFs, quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC sẽ khiến giá dầu tăng trở lại mốc 100 USD/thùng. "Với quyết định này, sự biến động có thể sẽ quay trở lại. Và bất chấp những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường dầu thắt chặt sẽ khiến giá tăng lên trong quý IV", ông nói.

OPEC+ sẽ tổ chức cuộc họp tiếp theo vào ngày 4/12 tới.

Giá dầu đã tăng phiên thứ 3 liên tiếp sau thông tin này. Dầu WTI của Mỹ tăng gần 1% lên mức 87,37 USD/thùng. Trong khi đó, dầu Brent tăng khoảng 1,1% lên mức 92,82 USD/thùng.

Trên trang OliPrice, giá dầu giao ngay lúc 6h40 sáng nay (giờ Việt Nam) tiếp tục đà tăng, với dầu WTI giao dịch ở mức 88 USD/thùng và 93,37 USD/thùng với dầu Brent.

Nhật Linh

Theo CNBC

Tin liên quan