Tổng thống Mỹ Donald Trump ít xuất hiện hay phát biểu trước công chúng sau bầu cử. (Ảnh: Reuters)
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như đang thu mình bên trong Nhà Trắng, ít xuất hiện hay phát biểu trước công chúng kể từ sau cuộc bầu cử ngày 3/11.
Lịch trình nghị sự ngày 17/11 của Tổng thống Donald Trump tiếp tục là "không sự kiện công chúng", đánh dấu lần thứ 10 kể từ sau ngày bầu cử cụm từ này xuất hiện trong lịch trình làm việc hàng ngày của chủ nhân Nhà Trắng.
Ông không trả lời câu hỏi của phóng viên, không mời truyền thông phỏng vấn tại Phòng Bầu dục. Kể cả một quyết định quan trọng như kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và Iraq cũng do lãnh đạo mới của Lầu Năm Góc thông báo.
Ngoài Nhà Trắng, nơi ông Trump xuất hiện nhiều hơn là sân golf ở Virginia cách đó hàng chục km. Ông thậm chí đã hủy kế hoạch đón Lễ tạ ơn ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của gia đình. Ông và Đệ nhất phu nhân Melania dự định sẽ dành kỳ nghỉ lễ tại khu nghỉ dưỡng được mệnh danh là "Nhà Trắng mùa đông" này, nhưng cuối cùng quyết định ở lại Washington.
Ngay cả khi công nhân dỡ và chuyển đi các hàng rào an ninh dựng tạm quanh Nhà Trắng, Tổng thống vẫn ở bên trong tòa nhà và tiếp tục không công nhận kết quả bầu cử, đưa ra hàng loạt cáo buộc gian lận bầu cử trên mạng xã hội.
Hiếm khi chính quyền của ông Trump ít lịch trình như hiện nay. Kể từ sau ngày bầu cử, ông Trump chỉ 3 lần xuất hiện trước công chúng và ông từ chối trả lời bất cứ câu hỏi nào của phóng viên. Ông không đọc báo cáo tình báo suốt hơn 1 tháng kể cả khi chính quyền của ông chưa cho phép cung cấp các báo cáo đó cho ứng viên Joe Biden, người được dự đoán đắc cử.
Ông Trump cũng hầu như ngừng điện đàm cho các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là các đồng minh có xu hướng công nhận chiến thắng của ông Biden. Nguyên thủ nước ngoài gần đây nhất mà ông Trump điện đàm là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 30/10. Ông đưa ra các chính sách hay ra quyết định điều chuyển nhân sự từ các cuộc họp kín, trong đó có quyết định sa thải Bộ trưởng quốc phòng và kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan và Iraq. Các cố vấn cũng hạn chế đưa ra các đề xuất chính sách bởi họ e ngại tâm trạng của Tổng thống không được tốt.
Cuộc chiến pháp lý không nhiều hứa hẹn
Cuộc chiến pháp lý khó làm thay đổi kết quả bầu cử (Ảnh minh họa: Reuters)
Tổng thống Trump đến nay vẫn chưa công nhận kết quả bầu cử. Chiến dịch của ông tiếp tục theo đuổi hàng loạt vụ kiện gian lận bầu cử nhằm đảo ngược chiến thắng của ứng viên Dân chủ Biden. Tuy nhiên, đến nay, hy vọng này ngày càng mong manh khi tòa án bác bỏ những khiếu nại của chiến dịch của ông Trump. Chiến dịch của ông Trump tìm cách ngăn các bang chứng nhận kết quả bầu cử trước khi đại cử tri chính thức bỏ phiếu vào giữa tháng sau.
Hiện đội ngũ của ông Trump đã đệ đơn kiện ở các bang gồm Pennsylvania, Michigan, Arizona, Nevada, Georgia. Tại Pennsylvania, Tòa án tối cao đã bác đơn khiếu bại của đội ngũ tranh cử của ông Trump cáo buộc giới chức bầu cử Philadelphia phạm luật khi cho phép quan sát viên tiếp cận nhân viên kiểm phiếu ở cự ly quá xa (4,5m). Tòa án nói rằng, giới chức bầu cử Philadelphia không vi phạm luật do theo luật bầu cử địa phương quan sát viên có thể tiếp cận ở cự ly 6m.
Tại Michigan, chiến dịch của ông Trump đưa ra khiếu nại tương tự, song các chuyên gia cho rằng vụ kiện khó thành công. Bất chấp khiếu nại của ông Trump, hạt Wayne, hạt lớn nhất bang Michigan, ngày 17/11 chính thức chứng nhận kết quả bỏ phiếu. Giới chức Michigan sẽ chứng nhận kết quả bầu cử toàn bang vào ngày 23/11.
Tại Arizona, chiến dịch của ông Trump hôm 7/11 đệ đơn kiện một số phiếu bầu hợp lệ không được tính do lỗi của máy kiểm phiếu. Tuy nhiên, đến 13/11, đội ngũ của ông Trump từ bỏ vụ kiện.
Tại Nevada, phe Cộng hòa khiếu nại việc hàng nghìn phiếu bầu có thể không hợp lệ. Trong một đơn khiếu nại khác ngày 5/11, phe Cộng hòa ở Nevada tìm cách ngăn sử dụng máy xác nhận chữ ký tại điểm kiểm phiếu. Tuy nhiên, nỗ lực này đã bị một thẩm phán bang bác bỏ.
Tại Georgia, đội ngũ của ông Trump đệ đơn kiện nhằm yêu cầu ngừng kiểm phiếu nhận sau ngày bầu cử tại hạt Chatham và nghi vấn một nữ cử tri tráo phiếu. Ngày 5/11, một thẩm phán đã bác bỏ vụ kiện với lý do "không có bằng chứng.
Thất bại trong các vụ kiện ở cấp địa phương làm dấy lên câu hỏi liệu ông Trump có tiếp tục theo đuổi cuộc chiến pháp lý ở Tòa án tối cao liên bang hay không. Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuần trước đã cho phép các công tố viên liên bang mở cuộc điều tra bất cứ bất thường nào trong bầu cử. Điều này mở ra cơ hội Tòa án Tối cao có thể can thiệp. Đến nay mới chỉ có cuộc bầu cử năm 2000 được quyết định dựa vào phán quyết của Tòa án Tối cao. Phán quyết này đã mang lại chiến thắng gây tranh cãi cho ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa George W. Bush trước đối thủ Dân chủ Al Gore. Ông Bush giành được nhiều phiếu đại cử tri hơn, nhưng lại ít phiếu phổ thông hơn đối thủ.
Minh Phương
Theo BBC, Washington Post