Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: EPA)
Theo CNBC, chiến dịch tranh cử của ông Trump ngày 20/12 đã đệ đơn kiện lên Tòa án Tối cao liên bang nhằm đảo ngược 3 phán quyết của Tòa án Tối cao bang Pennsylvania cho phép nới lỏng một số quy định bầu cử ở bang này liên quan đến quy trình xác nhận chữ ký, giám sát bầu cử và bỏ phiếu qua thư. Đơn kiện nói rằng, tòa án bang Pennsylvania đã hành động vượt quá thẩm quyền theo quy định của Hiến pháp.
"Ba phán quyết này đã khiến gần 2,6 phiếu bầu qua thư phạm luật", luật sư của ông Trump John Eastman nêu trong đơn kiện. Ông Eastman hối thúc các thẩm phán Tòa án Tối cao tiếp nhận vụ kiện nhanh chóng trước Giáng sinh vì lý do quốc hội sắp họp vào ngày 6/1 tới để xác nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn để tổng thống đắc cử tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1.
"Đơn khiếu nại này có tầm quan trọng quốc gia và nhiều khả năng quyết định của Tòa án Tối cao bang (Pennsylvania) đã vi phạm Hiến pháp liên bang", đơn kiện nói.
Vụ kiện này về bản chất giống với vụ kiện của Texas hồi đầu tháng này nhằm kiện kết quả bầu cử ở 4 bang chiến trường lên Tòa án Tối cao. Đội ngũ của ông Trump đã theo đuổi hàng chục vụ kiện kết quả bầu cử, nhưng đây là lần đầu tiên đội ngũ của ông theo đuổi một vụ kiện độc lập ở Tòa án Tối cao liên bang.
Hiện chưa rõ Tòa án Tối cao có tiếp nhận đơn khiếu nại của đội ngũ pháp lý của ông Trump hay không, tuy nhiên giới quan sát cho rằng vụ kiện cũng sẽ nhanh chóng bị bác bỏ. Tòa án Tối cao trước đó đã bác bỏ đơn kiện của Texas nhằm hủy kết quả ở 4 bang chiến trường, trong đó có Pennsylvania. Bang Pennsylvania với 20 đại cử tri là một trong các bang quan trọng quyết định cục diện cuộc bầu cử năm nay.
Đội ngũ của ông Trump đến nay vẫn chưa từ bỏ cuộc chiến pháp lý nhằm lật ngược kết quả ngay cả khi Đại cử tri đoàn đã bỏ phiếu hôm 14/12 xác nhận ứng viên Dân chủ Joe Biden đắc cử với 306 phiếu, trong khi ông Trump chỉ giành 232 phiếu.
Quốc hội Mỹ sẽ họp toàn thể lưỡng viện vào ngày 6/1 để kiểm phiếu đại cử tri và chính thức công bố tổng thống đắc cử. Một nhóm đồng minh của ông Trump ở Hạ viện đang lên kế hoạch nhằm đảo ngược kết quả tại phiên họp toàn thể quốc hội này. Khiếu nại bằng văn bản có thể được xem xét nếu có chữ ký của ít nhất một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ. Hiện một số nghị sĩ đã phát tín hiệu ủng hộ nỗ lực đảo ngược kết quả ở quốc hội, tuy nhiên, chưa có thượng nghị sĩ nào ký vào đơn khiếu nại do Hạ nghị sĩ Mo Brooks khởi xướng.
Về phần mình, Tổng thống Trump nhiều lần tuyên bố chưa từ bỏ cuộc chiến pháp lý nhằm lật ngược kết quả. Tuần trước, ông chỉ trích lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng quan chức này "bỏ cuộc quá sớm" khi công nhận ứng viên Joe Biden là "tổng thống đắc cử".
Minh Phương
Theo CNBC