Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 26/5. (Ảnh: Reuters)
“Chúng tôi đang thực hiện một số thứ. Tôi nghĩ các bạn sẽ thấy rất thú vị. Nhưng tôi sẽ không nói về vấn đề đó hôm nay”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng hôm 26/5, khi được hỏi liệu ông có áp lệnh trừng phạt Trung Quốc vì dự luật an ninh mới với Hong Kong hay không.
“Đó là điều các bạn sẽ được biết trước cuối tuần này, tôi nghĩ là rất mạnh”, ông Trump nói thêm.
Tổng thống Trump tuần trước cũng cảnh báo Mỹ sẽ "hành động mạnh mẽ" nếu Trung Quốc áp luật an ninh với Hong Kong.
Dự luật an ninh Hong Kong được trình lên quốc hội Trung Quốc trong phiên khai mạc kỳ họp quốc hội tại Bắc Kinh hôm 22/5. Dự luật này cấm các hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố cũng như sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của đặc khu.
Giới chức Mỹ cho rằng dự luật này nếu được thực thi sẽ ảnh hưởng đến quyền tự trị của Hong Kong. Theo thỏa thuận Anh trao trả Hong Kong cho Trung Quốc năm 1997, Hong Kong được hưởng mức độ tự trị cao, các quyền tự do, có hệ thống luật pháp và quy chế thương mại riêng.
Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết, Bộ Tài chính Mỹ có thể áp đặt các biện pháp kiểm soát giao dịch và đóng băng tài sản của các quan chức cũng như doanh nghiệp Trung Quốc liên quan tới dự luật an ninh, vốn được cho là sẽ hạn chế các quyền và sự tự do của người dân Hong Kong. Ngoài ra, các biện pháp khác cũng đang được xem xét gồm siết chặt thị thực với quan chức Trung Quốc.
Theo nguồn tin, các cuộc thảo luận giữa các cơ quan của Mỹ vẫn đang diễn ra và hiện chưa có quyết định cuối cùng về việc liệu các lệnh trừng phạt trên có được triển khai không hoặc cách thức triển khai như thế nào.
Nghị sĩ Mỹ tăng cường sức ép với Trung Quốc
Chính quyền Trump được cho là đang đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ các nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa tại quốc hội Mỹ về việc phải phản ứng cứng rắn trước các kế hoạch của Trung Quốc, khi Bắc Kinh tìm cách tăng cường sự kiểm soát đối với đặc khu hành chính Hong Kong. Tuy vậy, Mỹ cũng phải đương đầu với thách thức nếu mạnh tay với Trung Quốc, vì bất kỳ biện pháp trừng phạt cứng rắn nào nhằm vào Bắc Kinh cũng có thể gây tổn hại cho cả Hong Kong và Washington.
Cộng đồng doanh nghiệp và đầu tư Mỹ đang lo lắng theo dõi tình hình căng thẳng gia tăng trong những ngày gần đây giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Phòng Thương mại Mỹ ngày 26/5 kêu gọi chính phủ Trung Quốc giữ vững mô hình “một quốc gia, hai chế độ” với Hong Kong, và hối thúc chính quyền Trump tiếp tục duy trì mối quan hệ mang tính xây dựng giữa Mỹ và Hong Kong.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany hôm qua nói rằng, Tổng thống Trump “không hài lòng” với nỗ lực của Trung Quốc và “khó có thể coi Hong Kong là trung tâm tài chính” nếu Trung Quốc có hành động với đặc khu hành chính này.
Các thượng nghị sĩ Mỹ tuần này đã đề xuất dự luật cho phép trừng phạt bất kỳ cá nhân nào vi phạm “nghĩa vụ của Trung Quốc đối với Hong Kong theo Tuyên bố chung Trung - Anh và Luật Cơ bản”, cũng như trừng phạt những ngân hàng có giao dịch với các đối tượng này.
“Dự luật trừng phạt để bảo vệ quyền tự trị của Hong Kong” do Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Pat Toomey đề xuất. Đây được cho là động thái để đáp trả “sự can thiệp trắng trợn ngày càng tăng” từ Trung Quốc theo cáo buộc của văn phòng nghị sĩ Toomey. Các nghị sĩ Mỹ hy vọng dự luật có thể nhanh chóng được phê chuẩn và kịp thời đưa ra các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh.
EU kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quyền tự trị của Hong Kong
Lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) cũng cam kết sẽ gây sức ép với chính quyền Trung Quốc liên quan tới dự luật an ninh với Hong Kong.
“Chúng tôi rất coi trọng việc duy trì mức độ tự trị cao của Hong Kong. Chúng tôi thường xuyên đối thoại với chính quyền Trung Quốc để bày tỏ quan điểm của chúng tôi và bảo vệ các lợi ích của chúng tôi. Chúng tôi ủng hộ nguyên tắc quan trọng “một quốc gia, hai chế độ”, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel phát biểu ngày 26/5.
Đây là tuyên bố cấp cao nhất của EU kể từ khi quốc hội Trung Quốc đề xuất dự luật an ninh Hong Kong tuần trước.
"Chúng tôi rất rõ ràng. Liên minh châu Âu cũng không ngây thơ trước các hành vi của Trung Quốc ở cấp độ quốc tế", ông Michel nói tại cuộc họp báo sau cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.
Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell ngày 25/5 cũng kêu gọi cần có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc.
"Trung Quốc ngày càng mạnh mẽ, quyết đoán và sự trỗi dậy của họ rất ấn tượng và được tôn trọng, nhưng nó cũng làm dấy lên nhiều hoài nghi và lo sợ. Mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc phải dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và có qua có lại. Tuy nhiên tình hình hiện nay không phải lúc nào cũng như vậy. Chúng ta chỉ có cơ hội nếu chúng ta ứng phó với Trung Quốc bằng sự kỷ luật tập thể", ông Borrell cho biết.
Liên quan tới việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến gặp lãnh đạo EU tại Đức vào cuối năm nay, ông Michel cho biết EU "đang làm việc với tất cả thành viên để chuẩn bị chiến lược của chúng tôi cũng như vị thế của chúng tôi đối với Trung Quốc".
Thành Đạt
Theo SCMP, Bloomberg