Fica
  1. Quốc tế

Ông Tập Cận Bình trấn an châu Phi về “món quà” 60 tỷ USD của Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố khoản hỗ trợ trị giá 60 tỷ USD cho châu Phi trong những năm tới, song khẳng định các khoản đầu tư của Bắc Kinh không đi kèm ràng buộc về chính trị.

 

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh ngày 3/9 (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tham dự Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi tại Bắc Kinh ngày 3/9 (Ảnh: Reuters)

 

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo châu Phi và Trung Quốc tại thủ đô Bắc Kinh hôm nay 3/9, Chủ tịch Tập Cận Bình cam kết sẽ hỗ trợ 60 tỷ USD cho châu Phi để phát triển các dự án thực tế, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững. Đây là cam kết mới nhất của Chủ tịch Tập Cận Bình sau cam kết hỗ trợ 60 tỷ USD cũng do nhà lãnh đạo Trung Quốc công bố tại hội nghị thượng đỉnh ở châu Phi cách đây 3 năm.

Ông Tập Cận Bình cho biết gói hỗ trợ 60 tỷ USD sẽ bao gồm 15 tỷ USD viện trợ, vay không lãi suất và vay ưu đãi, 20 tỷ USD tín dụng, 10 tỷ USD cho quỹ phát triển Trung Quốc - châu Phi và 5 tỷ USD cho quỹ nhập khẩu từ châu Phi. Cũng theo ông Tập, các công ty Trung Quốc được khuyến khích đầu tư 10 tỷ USD vào “lục địa đen” trong vòng 3 năm tới.

“Hợp tác Trung Quốc - châu Phi phải mang lại cho người dân Trung Quốc và châu Phi những lợi ích hiện hữu cũng như những thành công có thể nhìn thấy được”, ông Tập Cận Bình nói.

Trước đó, phát biểu tại một diễn đàn doanh nghiệp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc cần cẩn trọng trong việc sẽ rót các khoản tiền đầu tư vào đâu tại châu Phi.

“Việc Trung Quốc hợp tác với châu Phi rõ ràng nhằm xử lý các nút thắt cổ chai trong quá trình phát triển. Các nguồn lực dành cho sự hợp tác của chúng ta không thể chi vào các dự án phù phiếm mà phải đặt vào những nơi xứng đáng nhất”, ông Tập Cận Bình nói.

Tàu hỏa tại Kenya là một trong những dự án lớn của Trung Quốc ở châu Phi (Ảnh: AFP)

Tàu hỏa tại Kenya là một trong những dự án lớn của Trung Quốc ở châu Phi (Ảnh: AFP)

Chính quyền Trung Quốc đã bác bỏ những cáo buộc cho rằng nước này chỉ tập trung vào việc khai thác tài nguyên tại châu Phi để phục vụ cho nền kinh tế đang bùng nổ, cũng như những thông tin chỉ trích các dự án do Trung Quốc rót vốn tại châu Phi không đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường và việc Trung Quốc đang đưa quá nhiều công nhân sang làm việc tại châu Phi thay vì thuê lao động bản địa.

Tại châu Phi, Trung Quốc đang đầu tư vào các dự án đường sá, tàu hỏa, cầu cảng và một số dự án cơ sở hạ tầng khác. Ông Tập Cận Bình tuyên bố các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi phải nhận thức được các trách nhiệm xã hội và đảm bảo rằng các khoản đầu tư của họ sẽ phục vụ cho cộng đồng cũng như cải thiện cuộc sống.

“Tôi hy vọng các doanh nghiệp của chúng ta sẽ thực hiện đầy đủ các trách nhiệm xã hội, đồng thời tôn trọng văn hóa và truyền thống địa phương. Tôi cũng hy vọng các bạn sẽ làm nhiều hơn nữa trong việc huấn luyện nhân sự, nâng cao mức sống của người dân địa phương và đặt trọng tâm nhiều hơn vào các vấn đề môi trường và tài nguyên”, ông Tập Cận Bình nói.

Chủ tịch Tập Cận Bình cũng khẳng định Trung Quốc không sử dụng các khoản đầu tư và viện trợ để lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia châu Phi.

“Đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi không đi kèm ràng buộc về chính trị. Trung Quốc không can thiệp vào công việc nội bộ của châu Phi và không áp đặt ý muốn của mình lên châu Phi. Những gì chúng tôi coi trọng là việc chia sẻ các kinh nghiệm phát triển cũng như sự hỗ trợ mà chúng tôi có thể cung cấp cho sự phát triển của châu Phi”, ông Tập Cận Bình nhấn mạnh.

Sáng kiến Vành đai và Con đường

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị với sự tham gia của các lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp Trung Quốc, châu Phi ở Bắc Kinh hôm 3/9 (Ảnh: Reuters)

Ông Tập Cận Bình phát biểu tại hội nghị với sự tham gia của các lãnh đạo và đại diện doanh nghiệp Trung Quốc, châu Phi ở Bắc Kinh hôm 3/9 (Ảnh: Reuters)

Giới chức Trung Quốc nói rằng hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi năm nay sẽ củng cố vai trò của châu Phi trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Chủ tịch Tập Cận Bình. Đây là dự án kết nối Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á, Trung Á, Trung Đông, châu Âu và châu Phi bằng đường bộ và đường biển thông qua mạng lưới cơ sở hạ tầng. Bắc Kinh cam kết sẽ chi khoảng 126 tỷ USD cho sáng kiến này.

Đề cập tới Sáng kiến Vành đai và Con đường, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đây không phải là “kế hoạch nhằm thiết lập một câu lạc bộ độc quyền hay một khối riêng rẽ để đấu chọi với khối khác”. Thay vào đó, Sáng kiến Vành đai và Con đường hướng tới “sự cởi mở, chia sẻ và lợi ích tương trợ lớn hơn”.

Reuters dẫn số liệu thống kê từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington cho biết từ năm 2000 đến năm 2016, Trung Quốc đã cho châu Phi vay khoảng 125 tỷ USD. Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong đó phải kể tới Djibouti khi Bắc Kinh nắm tới 77% tổng nợ của nước này tính đến cuối năm 2016 hay Zambia - quốc gia vay mượn ít nhất 6,4 tỷ USD từ Trung Quốc.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc rằng Bắc Kinh đang đẩy các nước châu Phi vào “bẫy nợ” khi cho các nước này vay tiền nhưng không có khả năng thanh toán.

“Xét về hợp tác với Trung Quốc, các nước châu Phi hiểu rõ nhất. Truyền thông phương Tây đang cố tình tô vẽ sự khốn khổ của châu Phi khi hợp tác với Trung Quốc”, bài xã luận đăng trên Thời báo Hoàn cầu hôm nay cho biết.

Theo Reuters, ngay cả những nước nợ Trung Quốc nhiều nhất tại châu Phi cũng cho rằng các khoản vay của Bắc Kinh có điều kiện tốt hơn so với các khoản vay từ ngân hàng phương Tây, trong khi các nước châu Âu và Mỹ không hào phóng trong việc viện trợ cho châu Phi.

Tổng thống Rwanda Paul Kagame, chủ tịch Hiệp hội châu Phi, đã phủ nhận mọi quan ngại về nguy cơ "bẫy nợ" từ Trung Quốc đồng thời khẳng định đây là hành động phá hoại mối quan hệ giữa Bắc Kinh và châu lục này.

Thành Đạt

Tổng hợp