Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Tân Hoa xã)
Hãng thông tấn Tân Hoa Xã ngày 11/8 dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng, vấn đề lãng phí lương thực ở nước này “gây sốc và lo ngại”. Ông Tập nhấn mạnh, mặc dù mùa màng ở Trung Quốc bội thu nhiều năm qua, nhưng Trung Quốc vẫn cần "duy trì cảnh giác về nguy cơ khủng hoảng an ninh lương thực, đặc biệt do tác động của đại dịch Covid-19”.
Ông Tập cho rằng, Trung Quốc cần tăng cường giám sát lĩnh vực này và thiết lập một cơ chế lâu dài nhằm chấm dứt tình trạng lãng phí lương thực. Ông kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác, thúc đẩy một xã hội mà ở đó “lãng phí là điều hổ thẹn và tiết kiệm là điều đáng biểu dương”.
Lời kêu gọi trên được đưa ra trong bối cảnh nguồn cung của Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và lũ lụt. Mưa lớn kể từ đầu tháng 6 đã gây lũ lụt nghiêm trọng, nhấn chìm một diện tích lớn đất nông nghiệp ở miền nam Trung Quốc, khu vực trồng lúa chính của nước này.
Kể từ năm ngoái, giới chức Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo an ninh lương thực, cam kết cung ứng đủ lương thực cho 1,4 tỷ dân. Giới chuyên gia cho rằng, việc hạn chế lãng phí lương thực có thể giúp cải thiện an ninh lương thực của Trung Quốc.
Theo một báo cáo của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) và Viện Khoa học Trung Quốc công bố năm 2018, các nhà hàng, căng tin ở Trung Quốc lãng phí khoảng 18 triệu tấn lương thực mỗi năm, tương đương khoảng 3% sản lượng lương thực toàn quốc và đủ để cung cấp cho 50 triệu dân.
Zhang Hongzhou, chuyên gia nghiên cứu tại Đại học nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nhận định lời kêu gọi của ông Tập cho thấy một bước đi nữa của Bắc Kinh nhằm cải thiện an ninh lương thực, tăng cường “sức mạnh lương thực” trong bối cảnh cuộc chiến thương mại với Mỹ còn kéo dài.
Hu Xingdou, chuyên gia kinh tế độc lập tại Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc cần chuẩn bị cho tình huống xấu nhất trong cuộc chiến với Mỹ để có thể đạt được sự tự chủ hoàn toàn về sản xuất lương thực. “Các số liệu chính thức cho thấy, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 20% nguồn cung lương thực, nhưng giới chuyên gia ước tính tỷ lệ thực tế có thể lên 30%”, ông Hu nói.
Minh Phương
Theo SCMP