Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP)
Theo AFP, dự thảo sửa đổi đề xuất tăng quyền hạn của quốc hội và Hội đồng quốc gia Nga, ngược lại hạn chế quyền lực của tổng thống. Đề xuất sửa đổi cũng bao gồm chuyển Hội đồng quốc gia Nga từ một cơ quan cố vấn sang một cơ quan có chức năng định hình các chính sách đối nội, đối ngoại cũng như phát triển kinh tế xã hội. Cơ quan này sẽ do tổng thống chỉ định.
Ông Putin lần đầu đưa ra đề xuất sửa đổi hiến pháp trong bài phát biểu Thông điệp Liên bang hôm 15/1. Ngay sau bài phát biểu này, toàn bộ chính phủ của cựu Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố từ chức - một động thái được cho là nhằm mở đường cho sửa đổi hiến pháp. Đề xuất cải cách gồm tăng quyền lực cho quốc hội, cho quốc hội quyền bổ nhiệm thủ tướng, giới hạn nhiệm kỳ tổng thống chỉ là 2 nhiệm kỳ.
Nói về đề xuất giới hạn nhiệm kỳ, Tổng thống Putin cho biết cuối tuần qua rằng: “Về vấn đề nhiệm kỳ tổng thống, tôi hiểu rằng nhiều người trong số chúng ta quan ngại về sự ổn định trong xã hội, sự ổn định của đất nước, cả sự ổn định ở trong nước và ngoài nước. Tuy nhiên, sẽ rất đáng báo động nếu quay lại tình trạng như giữa thập niên 1980, khi các nhà lãnh đạo lần lượt nắm quyền đến ngày cuối cùng của họ và khi họ thôi không nắm quyền, họ không chuẩn bị những điều kiện cần thiết để chuyển giao quyền lực".
Dự thảo sửa đổi hiến pháp được đưa ra chỉ vài ngày sau khi một tổ công tác gồm các chuyên gia, quan chức cấp cao được thành lập nhằm cụ thể hóa đề xuất sửa đổi hiến pháp của Tổng thống Putin.
Ủy ban lập pháp Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) dự kiến sẽ thảo luận các đề xuất này vào hôm nay 21/1. Vào ngày mai, Hạ viện Nga sẽ quyết định khi nào thảo luận các sửa đổi, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin cho biết. Ông Volodin ca ngợi những đề xuất sửa đổi này là một quyết định “mang tính lịch sử” của Tổng thống Putin.
Minh Phương
Theo AFP