Sức mạnh gia tăng, Donald Trump dồn dập ra đòn
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ tiếp tục bứt phá với chỉ số Dow Jones tăng thêm gần 560 điểm và ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp bất chấp nhóm cổ phiếu công nghệ không còn dẫn dắt thị trường. Thay vào đó là sự trở lại của nhiều cổ phiếu trụ cột khác như Caterpillar, Boeing, hay nhóm năng lượng Exxon Mobil và Chevron...
Thị trường tài chính Mỹ sáng sủa hơn sau khi bang Florida báo cáo số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày thấp hơn mức bình quân 7 ngày. Tỷ lệ nhiễm Covid-19 trong ngày của bang California đã giảm nhẹ.
Chứng khoán Mỹ tăng bất chấp căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Trung tiếp tục leo thang. Đêm qua (giờ Việt Nam), theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một dự luật và một sắc lệnh hành pháp để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì đã áp dụng luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông.
Theo đó, ông Trump đã ký một dự luật, vốn đã được Quốc hội thông qua, để xử phạt các ngân hàng làm ăn với các quan chức Trung Quốc có liên quan đến việc thực thi luật an ninh quốc gia Trung Quốc tại Hồng Kông.
Chứng khoán Mỹ phục hồi nhanh chóng.
Với diễn biến này, ông Trump chấm dứt đối xử ưu đãi thương mại mà Hồng Kông đã được hưởng từ nước Mỹ. Hồng Kông sẽ được đối xử giống như Trung Quốc. Mỹ sẽ không có những ưu đãi đặc biệt về kinh tế cũng như không xuất khẩu công nghệ nhạy cảm.
Trong một diễn biến mới, Mỹ tuyên bố hết trung lập trong vấn đề tranh chấp hàng hải trên Biển Đông và điều tàu chiến thách thức Trung Quốc với cáo buộc các chiến thuật của Trung Quốc “như xã hội đen”.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo rạng sáng 14/7 đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với Bãi Tư Chính của Việt Nam và nhiều bãi cạn, bãi ngầm khác trong khu vực. Đây được xem là một cách tiếp cận chủ động hơn nhiều của Mỹ.
Trước đó, theo CNBC, ông Trump bày tỏ sự thờ ơ về thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Trung Quốc. Ông Trump cho biết, quan hệ Mỹ - Trung đã tổn hại nặng nề vì Covid-19 và Washington không dành sự ưu tiên cho thỏa thuận thương mại giai đoạn 2 với Bắc Kinh.
Thái độ của ông Trump khiến giới đầu tư không mấy kỳ vọng vào một mối quan hệ tốt đẹp giữa Mỹ và Trung kể cả sau khi Trung Quốc phát đi tín hiệu tốt về quan hệ thương mại giữa 2 bên. Bắc Kinh thông báo nhập khẩu hàng Mỹ của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 11,3% so với cùng kỳ sau khi giảm 13,5% trong tháng 5. Xuất khẩu hàng Trung Quốc vào Mỹ chỉ tăng 1,4%.
Các số liệu này tích cực hơn so với dự báo và theo lý thuyết là thông tin tích cực đối với quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Nó cũng cho thấy tín hiệu Trung Quốc hồi phục nhanh sau những ảnh hưởng của những quyết định phong tỏa vì đại dịch.
Chính quyền ông Donald Trump dồn dập ra đòn lên Trung Quốc.
Giới đầu tư rút khỏi Trung Quốc
Trái với sự tăng điểm ấn tượng của chứng khoán Mỹ, TTCK Trung Quốc chứng kiến những tín hiệu xấu chưa từng có với khối nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục trên thị trường huy động vốn dài hạn của nước này.
Trong phiên 14/7, khối ngoại đã bán tổng cộng 2,5 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc, một con số kỷ lục. Chỉ số ChiNext có lúc giảm tới 3,5% sau khi tăng hơn 60% trong năm nay và đang gần mức quá bán kỷ lục.
Trước đó, chứng khoán Trung Quốc đã có cú bứt phá mạnh sau khi tuyên bố khống chế được dịch Covid-19. Cú bứt phá đã đẩy vốn hóa của TTCK Trung Quốc lên đỉnh 10 nghìn tỷ USD, ngang bằng với mức vốn hóa khi thị trường này hình thành bong bóng 5 năm về trước.
Sự tăng giá của cổ phiếu Trung Quốc được cho là quá nhanh. Nó trái ngược với những khó khăn mà Bắc Kinh đang phải đối mặt như: đại dịch, thiên tai lũ lụt, quan hệ xấu đi với các nước, trong đó có Mỹ...
Hàng loạt tín hiệu xấu khiến các nhà đầu tư ngoại cân nhắc danh mục đầu tư trên TTCK Trung Quốc. Trong phiên 14/7, khối ngoại đã bán ròng 17,4 tỷ Nhân dân tệ giá trị cổ phiếu nước này, tương đương gần 2,5 tỷ USD. Đây là một con số cao chưa từng có, phá vỡ kỷ lục 14,7 tỷ NDT giá trị cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng hôm 13/3.
Trong tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã có những động thái đầu tiên để kìm hãm cơn sốt cổ phiếu với kế hoạch bán ra từ 2 quỹ Nhà nước Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh đã bắt đầu hành động để ngăn cơn sốt đầu cơ trên TTCK sau cú tăng giá kèo dài 8 ngày liên tục khiến cho nhiều người không khỏi lo ngại về rủi ro bong bóng trên thị trường.
Theo Bloomberg, những động thái mới đây cho thấy chính quyền Bắc Kinh thận trọng hơn với việc thị trường tăng điểm quá nóng. Cuối tuần trước, các nhà chức trách Trung Quốc đã yêu cầu các quỹ tương hỗ tạm thu hẹp bớt quy mô của các sản phẩm mới.
Căng thẳng Mỹ Trung tiếp tục leo thang.
Trên thực tế, giới chức Trung Quốc có nhiều lý do để muốn một TTCK tăng điểm. Một TTCK tăng điểm sẽ giúp người dân hào hứng, giúp vực dậy nhu cầu tiêu dùng. Giá cổ phiếu lên cao cũng giúp doanh nghiệp dễ trang trải nợ nần sau những khó khăn do đại dịch Covid gây ra.
Sự hưng phấn ở Đại lục cũng giúp tinh thần của các nhà đầu tư trên TTCK Hồng Kông cũng được cải thiện, giảm bớt áp lực từ những đòn đánh từ chính quyền ông Donald Trump.
Theo đánh giá của Reuters, chứng khoán Trung Quốc luôn là thị trường được thúc đẩy bởi chính sách. Ở vào thời điểm nhạy cảm, khi mà Trung Quốc thực thi Luật An ninh Quốc gia đối với Khu hành chính đặc biệt Hồng Kông, TTCK Trung Quốc và TTCK Hồng Kông cùng nhau gia tăng mạnh.
Dù vậy, chính quyền Bắc Kinh vẫn chưa thể quên được cú sốc giảm điểm trên TTCK nước này năm 2015 khi mà bong bóng xì hơi. Những phản ứng không thích hợp của các cơ quan quản lý đã khiến hàng triệu nhà đầu tư cá nhân thua lỗ nặng, gây ra bất ổn xã hội.
Khi đó, rất nhiều nông dân, người về hưu và cả sinh viên đại học đã ồ ạt đổ tiền vào TTCK để mua cổ phiếu. Rất nhiều người sử dụng đòn bẩy tài chính khiến nguồn tiền bị khô kiệt và khi áp lực bán tăng lên, thị trường sụp đổ nhanh chóng.
Theo M. Hà
VietnamNet