Ông Biden vừa ký thông qua dự luật nâng trần nợ công của Mỹ lên 31.400 tỷ USD, chặn nguy cơ vỡ nợ của Mỹ (Ảnh: Reuters).
Mỹ đang tiến đến gần đến nguy cơ một thảm họa kinh tế khi chính phủ Mỹ hết tiền mặt và đang đối mặt với nguy cơ mất khả năng thanh toán các nghĩa vụ tài chính. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo nếu không nâng trần nợ, kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái và mất việc làm trên khắp đất nước.
Trước những vấn đề cấp bách này, ngày 9/12, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ công thêm 2.500 tỷ USD và gửi cho Nhà Trắng vào ngày 15/12. Dự kiến dự luật này sẽ cho phép chính phủ Mỹ thực hiện các nghĩa vụ tài chính vào năm 2023.
Trần nợ công là giới hạn tổng số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay. Theo dự luật mà ông Biden vừa ký, trần nợ của Mỹ sẽ được nâng lên từ mức 28.900 tỷ USD lên 31.400 tỷ USD.
Ông Biden ký dự luật nâng giới hạn trần nợ diễn ra một ngày sau khi Bộ Tài chính Mỹ ước tính họ sẽ hết công cụ để tiếp tục thanh toán các hóa đơn của quốc gia.
Trước đó, một số nghị sĩ đảng Dân chủ yêu cầu phải nâng trần nợ cao hơn hoặc hủy bỏ hoàn toàn. Vì khi giới hạn nợ sẽ phải tăng một lần nữa trong năm 2023, đảng Cộng Hòa sẽ có cơ hội sử dụng điều này để buộc đảng Dân chủ phải nhượng bộ nếu họ giành được quyền kiểm soát Quốc hội vào giữa nhiệm kỳ tới.
Trong nhiều năm qua, nâng trần nợ công là vấn đề gây tranh cãi trong Quốc hội Mỹ. Đảng Dân chủ đã đổ lỗi rằng việc nâng trần nợ là do chính quyền của cựu Tổng thống Trump vay nợ quá nhiều. Trong khi đảng Cộng hòa lập luận rằng đảng Dân chủ phải có trách nhiệm cho lần tăng trần nợ này khi theo đuổi dự luật khí hậu và chi tiêu xã hội trị giá 1.750 tỷ USD mà không có sự ủng hộ từ đảng Cộng hòa.
Việc nâng hạn mức vay không áp dụng cho các chi tiêu mới của chính phủ. Bà Yellen nhấn mạnh Quốc hội sẽ phải nâng trần nợ công trong năm nếu đảng Dân chủ không thông qua dự luật mới.
Nhật Linh
Theo CNBC