Nhận định đáng chú ý nói trên đến từ ông Kevin Lai – chuyên gia kinh tế trưởng về châu Á (không bao gồm Nhật Bản) tại ngân hàng đầu tư và môi giới chứng khoán Daiwa Capital Markets (Nhật).
Theo lời ông Lai, món nợ 3.000 tỉ USD của Trung Quốc đặc biệt nguy hại vì sự thắt chặt thanh khoản USD, đồng nhân dân tệ đang suy yếu và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra.
Nợ USD toàn cầu bên ngoài nước Mỹ ngày nay đã tăng tới 12.000 tỉ USD (tăng từ mức 9.000 tỉ USD năm 2013). Trong số đó, số nợ của các công ty Trung Quốc đại lục và các nhà thầu của họ ở Hồng Kông, Singapore và Caribe chiếm 25%, tương đương 3.000 tỉ USD.
Các hoạt động tài chính qua biên giới bằng USD của Trung Quốc tăng nhanh hơn bất cứ nền kinh tế mới nổi nào khác dù Bắc Kinh đã đóng một phần tài khoản tài chính nước này.
Các hoạt động tài chính qua biên giới bằng USD của Trung Quốc đã tăng nhanh hơn bất cứ nền kinh tế mới nổi nào khác. Ảnh: Shutterstock
Để đối phó với hai thách thức thị trường tài chính - "cơn thịnh nộ" vào năm 2013 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ và một nỗ lực của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) để cải cách tỉ giá hối đoái vào tháng 8-2015, Trung Quốc thậm chí đã tăng nợ USD, thay vì trả nợ và giải quyết các vấn đề cơ bản về hiệu quả cũng như quản trị doanh nghiệp.
"Cuộc chiến tranh thương mại có thể đẩy nợ USD của thế giới tăng thêm 13.000 tỉ hay 14.000 tỉ USD?" - ông Lai đặt vấn đề, đồng thời nhấn mạnh thêm quy mô nợ đồng bạc xanh trên toàn cầu có thể lên tới đỉnh điểm vì chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ. Điều này có khả năng khiến các nhà đầu tư bán tài sản lấy USD và trả nợ. "Chúng ta sẽ bàn tới một cuộc khủng hoảng tài chính lớn – một cuộc khủng hoảng nợ USD" - vị chuyên gia cho hay.
Cũng theo lời ông Lai, số nợ USD của Trung Quốc tăng ở các trung tâm nước ngoài của nước này đã xâm nhập vào hệ thống ngân hàng của nền kinh tế số hai thế giới và đang gây lo ngại vì tiềm tàng sức ép giảm giá hơn nữa lên tỉ giá hối đoái của nhân dân tệ.
Các nhà xuất nhập khẩu, đầu tư và khách hàng trước đây đã tận dụng sự chênh lệch giữa lãi suất của Mỹ và Trung Quốc để vay nợ USD rẻ và mua tài sản để hưởng lợi. Tuy nhiên, trong nỗ lực hỗ trợ cho vay và tăng trưởng kinh tế, PBOC đã tăng nhẹ tỉ lệ lãi suất nhằm đối phó với việc FED triển khai tăng lãi suất. Điều này khiến khoảng cách giữa lãi suất của Mỹ và Trung Quốc thu hẹp nhanh chóng, tới mức nó không còn bù đắp chi phí trả nợ USD nước ngoài với đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới đang đắt đỏ hơn bao giờ hết.
Theo những số liệu mới nhất, 1 USD đang có giá tương đương 6,9439 nhân dân tệ, sau khi đồng tiền Trung Quốc giảm 11% kể từ tháng 3. Đối với nhiều nhà đầu tư, "vùng dễ chịu" của họ nằm ở khoảng 6,20 và 7,00 nhân dân tệ đổi 1 USD. Vậy nên, tỉ giá sát ngưỡng 7,00 nhân dân tệ hiện nay có thể kích hoạt một đợt bán nhân dân tệ lớn, buộc giá trị của nó tiếp tục đi xuống, theo phân tích của ông Lai.
Hậu quả là vay nợ USD thậm chí sẽ trở nên khó quản lý hơn, dẫn tới bán nhân dân tệ nhiều hơn và có thể đi đến một vòng luẩn quẩn tiêu cực khi mà gói nợ 3.000 tỉ USD của Trung Quốc không được giải quyết.
"Chúng ta đang nói về một tại họa lớn. Nếu nhân dân tệ tiếp tục giảm giá thì chúng ta sẽ chứng kiến một cuộc khủng hoảng USD"- ông Lai cho biết.
Theo: Đỗ Quyên/SCMP
Người lao động