Ảnh minh hoạ |
Như tin đã đưa, Bộ Tài chính Mỹ ngày 12/5 báo cáo khoản thâm hụt ngân sách kỷ lục 738 tỷ USD trong tháng 4/2020, giữa bối cảnh chi tiêu chính phủ tăng vọt, còn nguồn thu thuế đi xuống vì các biện pháp hạn chế được áp dụng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, mức thâm hụt ngân sách khổng lồ trong tháng Tư đã phản ánh quy mô khổng lồ của hoạt động chi tiêu chính phủ với mục tiêu giảm thiểu tác động kinh tế của cuộc khủng hoảng Covid-19. Mức thâm hụt ngân sách kỷ lục trước đó mà Mỹ từng ghi nhận là 235 tỷ USD vào tháng 2/2020.
Theo đánh gia của các chuyên gia phân tích tại BVSC, việc tăng chi tiêu chính phủ và thâm hụt ngân sách trong ngắn hạn là cần thiết khi các lệnh phong tỏa, hạn chế đi lại do dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp bị gián đoạn và số người thất nghiệp tại Mỹ tăng lên mức kỷ lục, trong 7 tuần gần nhất đã có 33 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và FED ước tính tỷ lệ thất nghiệp thực tế có thể lên tới 24%.
Thâm hụt ngân sách trong thời gian tới có thể tiếp tục sẽ tăng mạnh khi các gói kích cầu (QE) vẫn đang tiếp tục tăng mạnh nhờ hỗ trợ kinh tế.
Cụ thể, ngày 13/05, Hạ viện Mỹ cũng tiếp tục công bố dự luật hơn 3.000 tỷ USD nhằm hỗ trợ các tiểu bang, doanh nghiệp, hỗ trợ thực phẩm, hộ gia đình.
BVSC nhấn mạnh, khoản nợ công khổng lồ của Mỹ sẽ là gánh nặng trong tương lai, theo học thuyết của Kenes, khi kinh tế thoát khỏi khủng hoảng thì khoản nợ này sẽ được trả lại dần dần bằng việc tăng thuế và rút bớt vốn khỏi thị trường nhằm tránh lạm phát tăng mạnh.
Tuy nhiên, học thuyết về tiền tệ hiện đại dường như đúng hơn đối với Mỹ vì trong giai đoạn tăng trưởng tương đối tốt là 2017, 2018 thì thâm hụt ngân sách vẫn không có dấu hiệu giảm.
Học thuyết này cho rằng Mỹ có thể không cần lo lắng về nợ công khi có thể tiếp tục in tiền ra trả nợ nếu vẫn kiểm soát được lạm phát. Tuy nhiên, việc Mỹ tiếp tục in tiền có thể đẩy những quốc gia có lượng dựng trữ ngoại tệ lớn bằng đồng USD chịu thiệt hại khi đồng USD sẽ chịu áp lực mất giá.
Mai Chi