Fica
  1. Quốc tế

Những quan ngại bao trùm hội nghị IMF - WB

Đại Phú
Đại Phú

Theo Kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế thế giới sẽ khó đi thẳng hoặc chạy nước rút mà đi “cà nhắc”.

Sự kiện thường niên phối hợp tổ chức bởi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Ma Rốc, quốc gia vừa trải qua trận động đất kinh hoàng, và trong bối cảnh căng thẳng leo thang tại Dải Gaza, vừa khép lại cuối tuần vừa qua. 

Tại thành phố Marrakech, các nhà lãnh đạo thế giới đã thảo luận một loạt các chủ đề nóng, từ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu trước thực trạng nợ công, lạm phát cao, xung đột leo thang cho tới khoảng cách giàu - nghèo ngày một nới rộng giữa các quốc gia. Bên cạnh đó, thế giới hiện đứng trước một thách thức to lớn khác: biến đổi khí hậu, đòi hỏi những nỗ lực không của riêng quốc gia nào nhằm giải quyết vấn đề này. 

Hội nghị thường niên IMF - WB bế mạc ngày 15/10 vừa qua

Kinh tế đi cà nhắc

Trong báo cáo triển vọng mới nhất của IMF, được hoàn thành trước khu xung đột giữa Israel và Hamas nỗ ra, kinh tế toàn cầu được dự báo tăng trưởng chậm lại từ 3,5% xuống còn 3% trong năm nay và từ 3% xuống còn 2,9% trong năm 2024. 

Lạm phát toàn cầu cũng được dự báo giảm từ 6,9% năm nay xuống còn 5,8% vào năm sau. Các ngân hàng trung ương toàn cầu liên tục phát đi tín hiệu về khả năng dừng quá trình tăng lãi suất nếu điều kiện cho phép với kỳ vọng lạm phát cuối cùng sẽ được kiểm soát mà không ra một cuộc “hạ cánh cứng” đối với nền kinh tế. 

Bất chấp chiến sự leo thang trên Dải Gaza, phần lớn các lãnh đạo tham gia cuộc họp nhận định vẫn còn quá sớm để kết luận xung đột tại Trung Đông có tác động lớn tới kinh tế toàn cầu. Dẫu vậy, theo Kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế thế giới sẽ khó đi thẳng hoặc chạy nước rút mà đi “cà nhắc”. 

Gánh nặng nợ nần

Nợ công lớn tại nhiều nền kinh tế lớn, trong đó bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Italy, chính là vấn đề được đề cập nhiều nhất trong các phiên thảo luận, đặc biệt trong bối cảnh hiện tượng bán tháo đã xuất hiện trên thị trường trái phiếu toàn cầu. Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy Ignazio Visco cho biết nhà đầu tư tỏ ra lo lắng hơn khi nắm trong tay những “khoản nợ” có kỳ hạn dài. 

Còn theo Giám đốc nghiên cứu toàn cầu của JPMorgan Joyce Chang, “tâm lý phòng hộ trên thị trường chứng khoán đã quay trở lại khi thế giới đã bước qua giai đoạn Điều độ Vĩ đại ( Great Moderation). 

Nợ công còn chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Vitor Gaspar, Trưởng nhóm phân tích tài khóa của IMF cảnh báo các nhóm chính sách trợ cấp hiện tại không những không phát huy được tác dụng trong việc biến mục tiêu zero carbon trở thành hiện thực đồng thời mà còn làm gia tăng gánh nặng nợ nần. “Các quốc gia cần một bộ chính sách mới với định giá carbon là trung tâm, bà khuyến nghị. 

Lãi suất cao

Lãi suất cao, đồng USD mạnh và bất ổn địa chính trị cũng làm gia tăng thách thức đối với phần còn lại của thế giới với một loạt quốc gia phải tham gia quá trình tái cấu trúc như Sri Lanka, Kenya và Zambia. 

Lãi suất cao cũng khiến cho người đi vay ở vào thế phòng thủ, IMF cảnh báo trong Báo cáo ổn định tài chính toàn cầu mới nhất. Khoảng 5% các ngân hàng trên toàn thế giới sẽ lâm vào cảnh khốn cùng nếu như lãi suất tiếp tục neo cao như hiện tại. Hơn thế nữa, hoạt động của khoảng 30% ngân hàng trong hệ thống, trong đó bao gồm những định chế lớn nhất, sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực nếu như kinh tế thế giới tiến vào một giai đoạn tăng trưởng chậm và lạm phát cao kéo dài. 

Trong khi đó, xu hướng bảo hộ thương mại, xung đột Nga-Ukraine, và căng thẳng Mỹ-Trung khiến cho quá trình tìm được tiếng nói chung trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Do đó, hội nghị không đưa tuyên bố chung như mọi năm. 

Đại Phú