Fica
  1. Quốc tế

Những người trong và ngoài cuộc nói gì về sự việc Evergrande "lâm bước đường cùng"

Đại Phú
Đại Phú

Việc Evergrande phải thanh lý tài sản đánh dấu một bước thụt lùi lớn trong lịch sử tập đoàn này.

Ngày 29/1, một tòa án tại Hong Kong (Trung Quốc) yêu cầu tập đoàn bất động sản China Evergrande Group phải tiến hành thanh lý tài sản để trả nợ, đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc khủng hoảng bất động sản chưa từng có trong tiền lệ tại nền kinh tế số hai thế giới.

Dưới đây là một số bình luận về sự việc này:

Thẩm phán Linda Chan, Tòa án cấp cao tại Hong Kong:

“Việc đưa ra yêu cầu thanh lý là hoàn toàn hợp lý. Vấn đề này đã kéo dài dai dẳng trong vòng hơn một năm rưỡi vừa qua. Tại phiên điều trần lần cuối, tôi đã nói muốn nhìn thấy một bản đề xuất tái cấu trúc hoàn chỉnh, và công ty đã cam kết điều đó. Họ nói sẽ thảo luận với các chủ nợ để đưa ra một đề xuất đúng theo thời hạn mà cơ quan chức năng đã vạch ra. Nhưng điều đó đã không xảy ra”.

“Nếu quá trình thanh lý diễn ra thành công, công tác quản lý tập đoàn sẽ được đảm nhiệm bởi một đơn vị khác. Quá trình đàm phán tái cấu trúc vẫn sẽ có thể tiếp tục”.

Evergrande thời gian tới sẽ phải thanh lý tài sản để trả nợ

Shawn Siu, CEO Evergrande

“Công ty đã thực hiện mọi nỗ lực có thể và lấy làm tiếc trước lệnh thanh lý tài sản vừa đưa ra. Công ty sẽ đảm bảo tiến độ bàn giao nhà, dần dần đưa hoạt động về trạng thái bình thường. Evergrande sẽ chủ động trao đổi với đơn vị thanh lý, đồng thời đẩy mạnh quá trình giải quyết các vấn đề liên quan tới nợ vay”.

Fergus Saurin, Chuyên gia tới từ công ty luật Kirkland & Ellis LLP, đơn vị tư vấn cho một nhóm chủ nợ:

“Đây là sản phẩm của việc Evergrande đã không sát sao đối với các chủ nợ. Chúng tôi luôn có thiện chí, sẵn sàng tiến tới một thỏa thuận đối với công ty. Nhưng công ty đã không thể làm được điều đó. Họ chỉ tìm đến chúng tôi vào phút chót và tất nhiên, không thể đi về với bất cứ kết quả khả quan nào. Trong trường hợp này, công ty chỉ có thể tự trách mình mà thôi”.

Zerlina Zeng, Chuyên gia tín dụng tại Creditsights Inc:

“Sau phán quyết thanh lý tài sản, Evergrande sẽ buộc phải thực thi. Hiện công ty chưa tiết lộ những loại tài sản gì sẽ bị đem bán nhưng phần lớn tài sản của công ty hiện diện trên lãnh thổ Trung Quốc. Tôi hoài nghi liệu các chủ nợ nước ngoài có thể nhận lại được bao nhiêu từ quá trình này”.

Gary Ng, Chuyên gia kinh tế cấp cao tại Natixis SA:

“Tác động vĩ mô từ vụ việc này bị hạn chế vì quá trình thanh lý không làm gia tăng áp lực đối với lĩnh vực bất động sản, vốn đang chìm sâu trong khó khăn, của Trung Quốc. Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Hiệu ứng quả bóng tuyết có thể hình thành đối với các doanh nghiệp khác trong ngành. Đây cũng chưa phải là điểm kết thúc của những khúc mắc giữa doanh nghiệp và các chủ nợ. Tình hình thời gian tới có thể mang nhiều thách thức hơn”.

Đại Phú