Fica
  1. Quốc tế

Những dự án “biến tướng” gắn mác Vành đai và Con đường của Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Khác với sứ mệnh đặt ra ban đầu của chính phủ Trung Quốc khi đề ra Sáng kiến Vành đai và Con đường là phát triển các dự án cơ sở hạ tầng tại nước ngoài, một số doanh nghiệp đã lợi dụng chiến lược này để đầu tư vào những lĩnh vực “ngoài lề”.

 

Đồ họa mô phỏng các lĩnh vực vui chơi giải trí do các công ty Trung Quốc đầu tư phát triển ở nước ngoài dưới mác Vành đai và Con đường (Ảnh: New York Times)

Đồ họa mô phỏng các lĩnh vực vui chơi giải trí do các công ty Trung Quốc đầu tư phát triển ở nước ngoài dưới mác Vành đai và Con đường (Ảnh: New York Times)

Tại Thái Lan, một rạp chiếu phim được trang bị những chiếc ghế thủy lực khiến người xem có cảm giác như đang bay. Tại Australia, một sân trượt tuyết trong nhà đang dần hình thành gần các bãi biển của thành phố Gold Coast. Tại Séc, một spa cung cấp dịch vụ thuốc cổ truyền của Trung Quốc đang được xây dựng tại vùng sản xuất rượu vang ở phía nam.

Cả 3 dự án trên đều nằm trong nỗ lực đầy tham vọng của Trung Quốc nhằm xây dựng các liên kết địa chính trị và kinh tế trên toàn thế giới. Tuy nhiên điểm chung của cả 3 dự án này là đều đi chệch hướng so với sứ mệnh đề ra ban đầu.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã cam kết rót hàng nghìn tỷ USD vào các dự án xây dựng đường sá, nhà máy điện và cảng biển ở châu Á, châu Phi và châu Âu thông qua Sáng kiến Vành đai và Con đường. Sáng kiến này hướng đến mục tiêu xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trọng điểm với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc. Đây cũng là cách để Bắc Kinh có thêm những người bạn và mở rộng ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Tuy nhiên trong 5 năm qua, “núp” dưới danh nghĩa Sáng kiến Vành đai và Con đường, những dự án với quy mô nhỏ hơn và tầm ảnh hưởng ít hơn vẫn được triển khai. Đây chính là cách để các doanh nghiệp lách các quy định về hạn chế đầu tư ra nước ngoài của chính phủ Trung Quốc. Chính quyền Bắc Kinh không khuyến khích, thậm chí còn ngăn chặn các giao dịch trong một số lĩnh vực như bất động sản và giải trí.

Trong bối cảnh nền kinh tế có dấu hiệu khó khăn, các quan chức Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo về Sáng kiến Vành đai và Con đường, xem xét kỹ hơn số vốn của các dự án cũng như số lượng dự án được triển khai. Tuy vậy, điều này cũng không khiến một số doanh nghiệp “nản chí”.

“Có nhiều dự án bất thường vẫn được thực hiện dưới mác Vành đai và Con đường vì đây là cách các doanh nghiệp chứng tỏ rằng họ đang đi đúng theo mục tiêu chính trị của lãnh đạo. Đây chắc chắn là một sân chơi rất rộng lớn cho những kẻ cơ hội”, Arthur Kroeber, giám đốc điều hành của hãng nghiên cứu kinh tế Gavekal Dragonomics, nhận định.

Ngoài spa ở Séc, các công ty Trung Quốc cũng triển khai dự án xây dựng các trung tâm văn hóa và công viên ở Hungary, Italy, Philippines, Nga, Serbia. Một công ty xây dựng đã sử dụng mác Vành đai và Con đường để hợp thức hóa dự án xây dựng một công viên giải trí tại một khu phức hợp ở Indonesia, trong đó có khách sạn Trump và sân golf.

Không chỉ mở rộng sang lĩnh vực vui chơi giải trí, các dự án thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng đang vươn xa hơn về mặt địa lý. Vành đai và Con đường ban đầu chủ yếu tập trung vào các quốc gia nằm dọc theo tuyến đường giao thương cổ xưa từng đưa các nhà thám hiểm, trong đó có Marco Polo, về phía đông. Ngày nay, phạm vi chính thức của Vành đai và Con đường đã được mở rộng sang cả châu Phi và Nam Mỹ.

Mặc dù Australia chưa được đưa vào phạm vi của Vành đai và Con đường nhưng điều đó cũng không ngăn cản công ty Songcheng của Trung Quốc xây dựng một khu trượt tuyết trong nhà, và đây là một phần của tổ hợp vui chơi giải trí rộng khoảng 40 ha dọc thành phố Gold Coast của Australia.

Trung Quốc đang tìm cách kiểm soát chặt chẽ các dự án vui chơi giải trí, thể thao và bất động sản do các tập đoàn lớn của nước này đầu tư ở nước ngoài. Trong khi đó, công viên giải trí của công ty Songcheng tại Australia dường như kết hợp tất cả các lĩnh vực nằm trong diện bị cấm của chính quyền Bắc Kinh.

Rào cản từ nước sở tại

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Séc Milos Zeman tại Prague năm 2016 (Ảnh: AFP)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay Tổng thống Séc Milos Zeman tại Prague năm 2016 (Ảnh: AFP)

Đối với những người ủng hộ việc phát triển các dự án văn hóa của công ty Trung Quốc tại nước ngoài dưới mác Vành đai và Con đường, các công viên giải trí và rạp chiếu phim cũng góp phần thúc đẩy nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh không thua kém các dự án cảng biển và cơ sở hạ tầng.

“Một trong số các mục tiêu là trao đổi văn hóa dọc Vành đai và Con đường nhằm nâng cao sức mạnh mềm của chúng ta. Điều đó cũng hỗ trợ chiến lược cho hợp tác kinh tế”, Chen Shaofeng, phó giám đốc Viện Công nghiệp Văn hóa tại Đại học Bắc Kinh, nhận định.

Mặc dù vậy, vẫn có những “cạm bẫy” đặt ra cho các công ty Trung Quốc khi họ sử dụng mác Vành đai và Con đường. Một số công ty nói rằng họ bắt đầu gặp phải những rào cản khi thực hiện các dự án ở nước ngoài.

Công ty phát triển bất động sản RiseSun đang lên kế hoạch xây dựng một spa và cơ sở thuốc cổ truyền Trung Quốc tại thị trấn Pasohlavky ở vùng Nam Moravia, Cộng hòa Séc. Trước đó mô hình của dự án từng được công bố trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc của Tổng thống Séc Milos Zeman vào năm 2015. Theo mô hình này, công ty Trung Quốc sẽ xây hơn 20 tòa nhà dọc theo bờ hồ Nove Mlyny.

Tuy nhiên, dự án trên đang được chính quyền địa phương xem xét kỹ lưỡng. Trong khi công ty Trung Quốc khẳng định dự án chắc chắn sẽ được phê duyệt, giới chức vùng Pasohlavky đưa ra một góc nhìn khác. Họ nhận định RiseSun là một trong số nhiều nhà đầu tư chỉ quan tâm tới việc mua đất tại Séc, đồng thời cho biết họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Theo Thị trưởng Pasohlavky Martina Dominova, một số người dân địa phương đã thể hiện sự lo ngại về nhà đầu tư Trung Quốc.

Người dân trong vùng cũng đang theo dõi sát sao một vụ việc xảy ra tại thủ đô Prague của Séc liên quan tới công ty Năng lượng Trung Quốc CEFC. Vài năm trước, CEFC đã thâu tóm nhiều doanh nghiệp tại Séc, bao gồm một ngân hàng, một nhà máy rượu, thậm chí cả một đội bóng. Tuy nhiên đến năm nay, nhà sáng lập của CEFC đột nhiên mất tích, khiến nhiều người lo ngại về số phận của các công ty từng bị CEFC mua lại tại Séc.

“Tòa nhà chính quyền thậm chí còn nhận được những tin nhắn phẫn nộ. Họ cáo buộc chúng tôi bán nước cho người Trung Quốc”, Thị trưởng Dominova cho biết.

Thành Đạt

Theo New York Times

Tin liên quan