Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc sụt giảm trong tháng 6, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng của giới chuyên gia, qua đó góp phần phản ánh thực tế nhu cầu nội địa của nền kinh tế số hai thế giới vẫn còn ảm đạm.
Cụ thể, tính theo giá trị USD, chỉ số trên giảm 2,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái trong khi giới chuyên gia dự báo tăng trưởng 2,8%.
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục đi lên khi ghi nhận mức tăng 8,6% trong cùng giai đoạn, vượt lên trên kỳ vọng tăng 8% của thị trường.
Còn tính trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu tăng 2% trong khi xuất khẩu tăng 3,6% so với cùng kỳ.
Trung Quốc vẫn phát huy được thế mạnh xuất khẩu |
Hoạt động thương mại của Trung Quốc với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tăng 7,1% trong nửa đầu năm, củng cố vị trí đối tác thương mại khu vực lớn nhất của nền kinh tế số hai thế giới.
Trong khi đó, kim ngạch xuất nhập khẩu của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đều sụt giảm. Còn đối với Mỹ, kim ngạch nhập khẩu từ nước này giảm 4,9% trong khi xuất khẩu tăng 1,5%.
Điểm sáng nhất tới từ Brazil khi giá trị xuất khẩu từ Trung Quốc sang quốc gia Nam Mỹ này tăng 24,4% trong khi nhập khẩu cũng tăng 8,3%.
Việc kim ngạch nhập khẩu sụt giảm góp phần phản ánh thực tế nhu cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước vẫn chưa có sự cải thiện rõ rất. Dữ liệu lạm phát tháng gần nhất với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ tăng 0,2% cũng góp phần làm rõ thực trạng này.
Theo giới chuyên gia, chính phủ Trung Quốc vẫn cần phải triển khai thêm các giải pháp hỗ trợ, đặc biệt chú trọng vào cải thiện nhu cầu thị trường trong nước, qua đó dần vực dậy niềm tin tiêu dùng nói riêng và cả nền kinh tế nói chung.
Đại Phú