Chính phủ Nhật Bản vừa công bố gói giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua tác động của lạm phát có giá trị lên tới 17.000 tỷ yên (tương đương 113 tỷ USD).
Để có tiền tài trợ cho kế hoạch trên, chính phủ nước này sẽ bổ sung 13.100 tỷ yên vào kế hoạch tài khóa của năm tài chính hiện tại (kết thúc vào tháng 3/2024), theo các nội dung đã được nội các phê duyệt.
Nếu tính cả chi tiêu của chính quyền các địa phương và tiền vay bảo lãnh, quy mô của gói hỗ trợ này có thể lên tới 21.800 tỷ yên.
Kinh tế Nhật Bản sắp nhận được gói hỗ trợ lớn |
“Kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên sau ba thập kỷ đứng trước cơ hội chuyển mình sang một giai đoạn mới”, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chia sẻ trong cuộc họp chính phủ diễn ngày 2/11 . Ông ám chỉ tới một giai đoạn giảm phát và tăng trưởng chậm kéo dài.
“Đó là lý do chúng ta hỗ trợ các doanh nghiệp, giúp họ nâng cao doanh thu và lợi nhuận, qua đó cải thiện tiền lương cho người lao động”, ông nói.
Gói hỗ trợ trên đồng thời bao gồm giải pháp cắt giảm thuế thu nhập và dân cư; các khoản tiền chi trả trực tiếp cho các hộ gia đình thu nhập thấp và trợ cấp tài chính nhằm giảm nhẹ tác động từ đà tăng chi phí năng lượng.
Theo ước tính của chính phủ, gói giải pháp này có thể giúp kéo tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 1,2% trong vòng 3 năm tới. Trong khi đó, giải pháp trợ cấp chi phí năng lượng có thể khiến cho lạm phát tiêu dùng giảm 1 điểm phần trăm trong giai đoạn từ tháng 1 tới tháng 4 năm sau.
Ngoài ra, gói giải pháp trên cũng nhắm tới mục tiêu tăng cường mạng lưới chuỗi cung ứng và phát triển các công nghệ chủ chốt thông qua việc giãn thuế đối với các công ty đầu tư vào lĩnh vực được coi là quan trọng.
Tuy nhiên, kế hoạch trên có thể buộc chính phủ phải phát hành nhiều hơn trái phiếu, gây áp lực lớn hơn đối với khoản nợ công, vốn đã cao hơn gấp hai lần so với GDP của nước này và thuộc hàng lớn nhất trong nhóm các nền kinh tế phát triển.
Theo dự báo của Reuters, kinh tế Nhật Bản có thể “đi lùi” trong quý III/2023 sau quý II thăng hoa trước ảnh hưởng từ lạm phát và đà suy yếu của kinh tế Trung Quốc. Trong khi đó, tiền lương thực tế của người dân sụt giảm trong tháng 7 làm dấy lên nghi ngại xung quanh nhận định của ngân hàng trung ương nước này về đà hồi phục ổn định của nền kinh tế dựa trên nhu cầu nội địa.
Đại Phú