Fica
  1. Quốc tế

Nhật Bản - Mỹ: Một nhịn cho chín lành

Nhật Bản - Mỹ dự định sẽ ký thỏa thuận thương mại tại New York. Chủ đích và nhất là lợi ích của ông Trump và ông Abe trong câu chuyện này là gì?

Nhật Bản - Mỹ: Một nhịn cho chín lành - 1

Ý nghĩa chính trị của thoả thuận thương mại Nhật Bản - Mỹ có thể to lớn nhưng tác động và hiệu ứng thực tế của nó chỉ trong phạm vi nhất định. (Minh họa của Charlee trên trang What's On Politics)

Bên lề khoá họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm nay ở New York (Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo dự định sẽ ký kết thoả thuận thương mại giữa hai nước. Việc này đã được hai người ấn định khi họ gặp nhau dịp cùng dự Hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G7 tổ chức tại Biarritz (Pháp).

Ông Trump cũng đã thông báo cho Quốc hội Mỹ biết theo quy định của pháp luật hiện hành ở nước này, trong khi quan chức chính phủ ở Nhật Bản lại cho rằng, trên thực tế vẫn còn không ít chuyện phải được đàm phán ổn thoả trước khi có được văn bản thoả thuận hoàn chỉnh để cho ông Trump và ông Abe có thể ký kết.

Thực tế ấy tạo cảm nhận là ông Trump chủ ý đặt ông Abe trước sự đã rồi và không còn có thể trì hoãn, càng không thể có chuyện lùi.

Đấy không phải là điều đáng chú ý duy nhất ở việc này.

“Chiến lược kép” của Nhật Bản

Mỹ và Nhật Bản khởi động và xúc tiến đàm phán về thoả thuận thương mại song phương có nguồn gốc ở việc ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận về Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và kích hoạt cuộc xung khắc thương mại với nhiều đối tác kinh tế và thương mại của Mỹ, đặc biệt với Trung Quốc và trong đó có Nhật Bản. Nhật Bản thuộc diện những bên đi đầu trong việc giải cứu TPP bằng một thoả thuận mới về khu vực mậu dịch tự do nhiều bên không có sự tham gia của Mỹ với tên gọi là Quan hệ đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thoả thuận cùng EU xây dựng khu vực mậu dịch tự do chung.

Nhật Bản nhận thức được rằng, ông Trump quá thích thú và say mê thực thi chủ nghĩa bảo hộ thương mại, coi đấy là công cụ đắc dụng nhất và vũ khí công hiệu nhất mà hiện Mỹ có thể có được và sử dụng để xử lý tất cả các mối quan hệ đối ngoại, an ninh và kinh tế đối ngoại của nước này, ông Trump sẽ còn đẩy mạnh chứ không bớt giảm, sẽ còn quyết liệt hơn nữa chứ không hạ bớt mức độ xung khắc thương mại với các đối tác nên Nhật Bản phải thực thi một kiểu "chiến lược kép" với hai định hướng đồng thời là nhanh chóng dàn xếp song phương với Mỹ và thúc đẩy việc đàm phán và ký kết những thoả thuận hợp tác thương mại song phương cũng như đa phương với các đối tác khác.

Tranh thủ cá nhân ông Trump là chủ trương xuyên suốt của ông Abe ngay từ khi ông Trump mới đắc cử Tổng thống Mỹ và còn chưa chính thức nhậm chức. Chấp nhận nhượng bộ Mỹ nhiều hơn để cho yên chuyện và xong việc là phương châm chỉ đạo của ông Abe trong xử lý mọi chuyện quan hệ giữa Nhật Bản và Mỹ. Ở thoả thuận thương mại song phương này, điều ấy thể hiện rất rõ.

Cái được/mất của Mỹ và Nhật Bản

Phía Nhật Bản gần như bị phía Mỹ áp đặt cả chủ đề nội dung lẫn lộ trình thời gian đàm phán. Phía Nhật Bản phải đáp ứng yêu cầu của Mỹ liên quan đến việc mở cửa thị trường Nhật Bản cho nông sản của Mỹ - mà ai cũng hiểu được rằng, như thế sẽ vô hiệu hoá ở mức độ không hề nhỏ tác động của một số biện pháp của Trung Quốc đáp trả Mỹ trong cuộc xung khắc thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc - trong khi phía Mỹ lại chỉ mới đáp ứng có phần nào yêu cầu đòi hỏi hàng đầu của Nhật Bản về mở cửa thị trường Mỹ cho ôtô của Nhật Bản. Hay như ông Trump muốn thoả thuận được ký kết ngay vào cuối tháng Chín này trong khi quá trình đàm phán trong thực chất hiện vẫn chưa kết thúc thành công.

Ông Abe chủ trương thoả hiệp với ông Trump trong chuyện này để cầu được việc trong những chuyện khác. Nhật Bản hiện vẫn cần, nếu như không muốn nói là càng cần Mỹ để xử lý quan hệ với các nước trong khu vực Đông Bắc Á và để vươn tới tầm ảnh hưởng chính trị thế giới. Ở Đông Bắc Á, Nhật Bản hiện vẫn khúc mắc với tất cả 4 nước trong khu vực là Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Triều Tiên. Trong rất nhiều chuyện liên quan, Nhật Bản vẫn cần đến cả cái uy của Mỹ lẫn tác động của mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược truyền thống với Mỹ. Đấy là cách thức chịu nhịn một để được đến cả chín lành, một cách chịu chấp nhận trả giá ở chỗ này để được giá ở chỗ khác.

Ông Trump cần thoả thuận thương mại này với Nhật Bản làm bằng chứng cho sự thành công của quan điểm chính sách gây xung khắc thương mại và thực thi chủ nghĩa bảo hộ thương mại của mình. Xung khắc thương mại với những đối tác lớn như Trung Quốc hay EU càng thêm quyết liệt và dai dẳng thì ông Trump càng cần những kết quả cụ thể như với Nhật Bản hay với một vài đối tác trước đó. Cũng vì thế mà ông Trump không nhằm vào thoả thuận tổng thể với Nhật Bản mà chỉ cần một thoả thuận có giới hạn bởi chỉ như thế thì đàm phán mới có thể dễ và nhanh chóng thành công.

Cho nên ý nghĩa chính trị của thoả thuận thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản có thể to lớn nhưng tác động và hiệu ứng thực tế của nó lại chỉ trong mức độ phạm vi nhất định đối với cả hai bên. Thoả thuận này chưa đủ để giải quyết được tất cả các vấn đề trong cuộc xung khắc thương mại giữa hai nước nhưng đủ để được coi và sử dụng làm mô thức và phương cách cho hai bên xử lý những vấn đề còn lại trong thời gian tới.

Theo Dịch Dung

Thế giới & Việt Nam