Fica
  1. Quốc tế

Nhật Bản có thể mất danh hiệu nền kinh tế số ba thế giới vì đồng yên trượt giá

Đại Phú
Đại Phú

Đức, nền kinh tế số một châu Âu, có thể vươn lên vị trí xếp ngay sau Trung Quốc.

Đức được dự báo sẽ vượt Nhật Bản trở thành nền kinh tế số ba thế giới ngay trong năm 2023 nhờ vào đà trượt giá mạnh của đồng yên. 

Trong dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức có thể đạt 4.430 tỷ USD trong năm 2023, cao hơn khoảng 200 tỷ USD so với nền kinh tế số hai châu Á. 

Nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh tỷ giá JPY/EUR thủng mốc 160, điều chưa từng xảy ra kể từ tháng 8/2008. Nếu so sánh với đồng USD, đồng tiền của Nhật Bản hiện ở ngưỡng thấp nhất 33 năm. 

Đồng yên trượt giá mạnh so với Euro và USD

Đồng yên liên tục suy yếu so với hai đồng tiền trên do những khác biệt trong quan điểm chính sách tiền tệ. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã tăng mạnh lãi suất trong hơn một năm trở lại đây nhằm kiểm soát đà tăng giá cả. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) lại duy trì quan điểm hỗ trợ nền kinh tế thông qua mức lãi suất siêu thấp. Dù lạm phát có thời điểm leo lên ngưỡng cao nhất nhiều thập kỷ, BoJ lại coi đó chỉ là yếu tố nhất thời đồng thời đón nhận điều này vì xứ sở mặt trời mọc nhiều năm rơi vào giảm phát. 

Trong khi Fed và ECB được dự báo sẽ tiếp tục neo cao lãi suất trong các kỳ họp tới, BoJ sẽ không sớm thay đổi chiến lược chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, ít nhất trong năm 2023, qua đó duy trì áp lực giảm giá đối với đồng yên. Hiện lãi suất điều hành tại Nhật Bản neo ở ngưỡng -0,1%. 

Con số dự báo của IMF còn vạch ra triển vọng tươi sáng hơn đối với nền kinh tế số một châu  u trong dài hạn. Điều này còn được thể hiện qua ước tính thu nhập bình quân đầu người tại Đức với 52.824 USD/năm, cao hơn so với 33.950 US/năm của người dân Nhật. 

“Không sai khi nói tiềm năng phát triển của Nhật Bản đang tụt lại phía sau”, Bộ trưởng Kinh tế Yasutoshi Nishimura trả lời khi được hỏi về kết quả dự báo của IMF. “Chúng tôi mong muốn khép lại giai đoạn trì trệ suốt 2-3 thập kỷ qua và sẽ đạt được điều đó thông qua các gói chính sách hỗ trợ trong thời gian tới”, ông cho biết. 

Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản  Fumio Kishida tiết lộ gói hỗ trợ trên sẽ bao gồm việc gia hạn trợ cấp năng lượng nhằm kéo giảm áp lực chi phí đối với người dân trước lạm phát cao. Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao tiền lương và giảm thuế đối với người lao động. 

Đại Phú