Số người mắc và tử vong vì Covid-19 tại Mỹ tăng mạnh. (Ảnh: AFP)
"Ngày bi kịch nhất" trong cuộc chiến chống Covid-19
Vào ngày mà Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng “có lẽ chúng ta đang nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm” thì đó cũng là ngày đen tối nhất tại Mỹ kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại quốc gia này hồi cuối tháng 1.
Theo số liệu trên trang web Worldometers, chỉ riêng trong ngày 7/4, Mỹ ghi nhận 1.970 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số người chết vì dịch bệnh này tại đây lên hơn 12.800 ca. Đây là ngày Mỹ ghi nhận nhiều ca tử vong nhất vì Covid-19 kể từ khi dịch bùng phát.
Cũng trong ngày hôm qua, Mỹ có thêm hơn 33.000 ca mắc mới, nâng tổng số người nhiễm bệnh tại quốc gia này lên hơn 400.000.
Trong khi Tổng thống Trump tin rằng dịch Covid-19 tại Mỹ sẽ lập đỉnh trong tuần này hoặc tuần tới thì giới chuyên gia tỏ ra thận trọng hơn.
Dựa trên các mô hình phân tích, một nghiên cứu mới đây của Đại học Washington dự báo số người chết vì Covid-19 tại Mỹ có thể lên gần 82.000 người vào đầu tháng 8. Giới y tế Mỹ trước đó thậm chí cảnh báo số người chết vì dịch bệnh này tại Mỹ có thể lên 100.000 đến 240.000 người nếu chính phủ Mỹ không có các biện pháp ứng phó hiệu quả.
Ngày hỗn loạn của Nhà Trắng
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
Thay vì xoa dịu tình hình, ông Trump khiến mọi việc trở nên rối hơn khi quyết định sa thải ông Glenn Fine, quyền tổng thanh tra Bộ Quốc phòng, người đứng đầu cơ quan giám sát gói cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD, chỉ vài ngày sau khi người này được bổ nhiệm.
Nhà Trắng chưa từng phải đối mặt với nhiệm vụ đảm bảo một gói cứu trợ kinh tế lớn như vậy sẽ được phân bổ một cách hợp lý. Ông Trump làm dấy lên lo ngại về khả năng quản lý các gói cứu trợ trước kia và cả các gói cứu trợ trong tương lai sau khi bất ngờ sa thải ông Glenn Fine. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cảnh báo, với động thái này, ông Trump có thể đang tìm cách tự quản lý, giám sát gói cứu trợ lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông Trump từng nói rằng, ông sẽ bỏ qua điều khoản trong dự luật yêu cầu tổng thanh tra đặc biệt phải báo cáo quốc hội về công tác quản lý quỹ.
Cách chức ông Glenn Fine không phải là biến động nhân sự duy nhất trong ngày “hỗn loạn” tại Nhà Trắng. Thư ký báo chí Nhà Trắng Stephanie Grisham bất ngờ quyết định từ chức mà không có bất cứ thông báo nào. Theo đó, bà Grisham sẽ thôi làm Thư ký báo chí Nhà Trắng để làm chánh văn phòng của Đệ nhất phu nhân Melania Trump.
Quyền Bộ trưởng Hải quân Mỹ Thomas Modly hôm qua cũng đệ đơn từ chức sau lùm xùm sa thải và cách chức chỉ huy tàu sân bay USS Theodore Roosevelt sau khi viên chỉ huy này viết tâm thư cầu cứu vì tình trạng lây lan Covid-19 trên con tàu.
Ông Trump kết thúc một ngày biến động với cuộc họp báo với hàng loạt vấn đề khiến ông bận tâm, từ việc cảnh báo ngừng cấp kinh phí cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến phản đối bỏ phiếu qua thư điện tử trong cuộc bầu cử tổng thống giữa lúc dịch diễn biến phức tạp.
“WHO thực sự đã làm hỏng việc. Vì vài lý do nào đó, tổ chức này được tài trợ phần lớn bởi Mỹ, nhưng lại lấy Trung Quốc làm trung tâm. Thật may là ngay từ đầu tôi đã bác bỏ lời khuyên của họ về việc vẫn mở cửa biên giới với Trung Quốc. Tại sao họ lại đưa ra cho chúng ta một khuyến cáo sai lầm như vậy”, ông Trump viết trên Twitter trước khi đưa ra cảnh báo tại họp báo rằng “sẽ dừng các khoản kinh phí cấp cho WHO”.
Sự hỗn loạn và mâu thuẫn trong nội bộ chính quyền của Tổng thống Trump không chỉ làm dấy lên câu hỏi về khả năng kiểm soát đại dịch của Nhà Trắng. Nó sẽ kéo theo những lo ngại bởi giai đoạn hai trong cuộc chiến ứng phó Covid-19 của Mỹ với kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế và ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung, tinh tế để có thể chiếm được niềm tin của người dân.
Minh Phương
Tổng hợp