Fica
  1. Quốc tế

Người trẻ Trung Quốc 'cật lực' tiết kiệm

Tâm lý bi quan về tương lai nền kinh tế khiến cho nhiều người trẻ Trung Quốc phải thắt chặt hầu bao.

Hiện tượng chi tiêu thả ga sau đại dịch Covid 19 vẫn tồn tại nhưng ở ngay tại nền kinh tế số hai thế giới, một xu hướng đối lập đang lang rộng: tiết kiệm là trên hết. 

Thay vì chi tiền để tận hưởng, một bộ phần người trẻ tại Trung Quốc lại tiết kiệm một cách thái quá trong bối cảnh nền kinh tế đang dần mất đi xung lực. 

Tiết kiệm thái quá thậm chí đã trở thành “trend” trên các nền tảng mạng xã hội khi nhiều người trẻ đặt ra những mục tiêu “không tưởng” về lượng tiền giữ lại mỗi tháng.  

Tiết kiệm đang trở thành một xu thế mới trong bộ phận người trẻ tại Trung Quốc

Một người dùng có tên ‘Little Zhai Zhai’, 26 tuổi, đã có những chia sẻ cụ thể về nỗ lực hạn chế chi tiêu mỗi tháng ở ngưỡng 300 nhân dân tệ (tương đương 41,28 USD). Trong đó, cô giới hạn tiền trả cho tất cả các bữa ăn trong ngày nhiều nhất 10 tệ (1,38 USD). 

Thậm chí, những người có xu hướng đề cao tiết kiệm như ‘Little Zhai Zhai’ còn tìm kiếm “đồng đội” có cùng chí hướng trên không gian mạng. Những người như vậy hình thành nên một đội nhóm với các thành viên phải bám sát mục tiêu đã đề ra. Họ thực hành tiết kiệm theo nhiều cách, bao gồm dùng bữa tại các canteen cộng đồng vốn rất phổ biến đối với nhiều người cao tuổi, nơi các món ăn được bán với giá rẻ.

“Người trẻ Trung Quốc đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu”, Shaun Rein, Giám đốc điều hành China Market Research Group, chia sẻ. “Không giống như thế hệ những năm 2010 khi họ chi tiêu nhiều hơn số tiền kiếm về và sẵn sàng vay mượn để sở hữu những vật phẩm đắt tiền như túi xách Gucci và điện thoại iPhone, người trẻ Trung Quốc đang ngày càng tiết kiệm nhiều hơn”, ông cho biết. 

Một bằng chứng khác cho xu hướng này tới từ các từ khóa phổ biến trên mạng internet như “mua sắm ngược” và “nền kinh tế hà tiện”. Trong khi “mua sắm ngược” ám chỉ tới quyết tâm kéo giảm chi tiêu trong khi “nền kinh tế hà tiện” lại nói tới tâm lý tìm kiếm các món hàng được giảm giá. 

Không còn lựa chọn? 

Tại sao nhiều người trẻ Trung Quốc phải thắt chặt hầu bao? 

“Người trẻ Trung Quốc có thể cảm nhận được thực tế mà ai cũng có thể nhìn ra: Nền kinh tế không còn quá khỏe mạnh”,  Christopher Beddor, Phó giám đốc trung tâm nghiên cứu Trung Quốc tại Gavekal Dragonomics, nhận định. 

Theo dữ liệu từ ngân hàng trung ương nước này, tổng lượng tiền tiết kiệm bằng đồng nhân dân tệ của các hộ gia đình Trung Quốc tăng 11,8% so với cùng kỳ trong quý I. 

Và dù GDP quý I tăng trưởng cao hơn kỳ vọng với 5,3%, kinh tế Trung Quốc vẫn được dự báo đi chậm lại trong thời gian tới. Trong báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế số hai thế giới có thể chỉ tăng trưởng 4,5% trong năm 2025.  

Trong khi đó, một thị trường lao động “chật chội” cũng khiến cho tình hình trở nên xấu đi, đặc biệt đối với những người trẻ. 

“Thắt chặt chi tiêu là một hiện tượng có thật”, Jia Miao, Giáo sư tại trường Đại học NYU Thượng Hải, chia sẻ. “Đối với một bộ phần người trẻ, họ không thể dễ dàng tìm kiếm được việc làm để gia tăng thu nhập. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải chi tiêu ít đi”, bà bổ sung. 

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi 16-24 trong tháng 5 tại Trung Quốc neo ở ngưỡng 14,2%, cao hơn nhiều so với bình quân 5% trên cả nước. Một khảo sát gần đây cho thấy mức lương trung bình hàng tháng đối với những thanh niên đã tốt nghiệp đại học trong năm 2023 chỉ khoảng 6.050 nhân dân tệ (832 USD), 1% cao hơn so với năm trước đó. 

“Sự tự tin cũng như tinh thần hoang dại đang dần mất đi trong lớp người trẻ. Phải mất rất nhiều năm nền kinh tế bùng nổ trở lại để họ có thể lấy lại được niềm tin tiêu dùng”, Shaun Rein (China Market Research Group) đánh giá. 

Đại Phú

Theo CNBC