Fica
  1. Quốc tế

Người đứng đầu IMF lạc quan về tương lai kinh tế thế giới

Đại Phú
Đại Phú

“Sức chống chịu tốt” của nền kinh tế toàn cầu thời gian qua giúp đẩy lùi khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong những quý sắp tới, Tổng giám đốc IMF chia sẻ.

Phát biểu trong chuyến thăm Bờ Biển Ngà trước khi tham dự hội nghị thường niên đồng tổ chức bởi Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại thành phố Marrakech (Ma Rốc), Tổng giám đốc IMF Kristalina Georgieva đã có những chia sẻ về tình hình "sức khỏe" kinh tế thế giới.

Bà tự tin cho biết “sức chống chịu tốt” của nền kinh tế toàn cầu thời gian qua giúp đẩy lùi khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nghiêm trọng trong những quý sắp tới. “Xác suất của một cú hạ cánh mềm đối với kinh tế thế giới vì thế cũng ngày một cao hơn”, bà chia sẻ.

Tổng giám đốc IMF - Kristalina Georgieva

Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cảnh báo triển vọng kinh tế thời gian tới vẫn tương đối mỏng manh với Mỹ là nền kinh tế lớn duy nhất đã quay lại lộ trình tăng trưởng trước đại dịch. Bà đồng thời tán dương Ấn Độ là một điểm sáng trên bức tranh tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.

“Kinh tế thế giới cho chúng ta thấy sức chống chịu tuyệt vời, và nửa đầu năm 2023 đã mang lại không ít thông tin tích cực với nhu cầu dịch vụ tăng mạnh trong khi cuộc chiến chống lạm phát gặt hái được một số thành tựu nhất định”, bà chia sẻ.

Chia sẻ góc nhìn tích cực này, Pierre-Olivier Gournichas, Kinh tế trưởng của IMF, trong bài phỏng vấn với Financial Times hồi tháng 8 cũng nhấn mạnh: rủi ro suy thoái kinh tế toàn cầu đang thoái trào.

Quan điểm lần này của bà mang nhiều khác biệt so với 6 tháng trước. Khi đó, bà thừa nhận kinh tế thế giới sẽ “hạ cánh cứng” nếu lạm phát không sớm được đẩy lùi, buộc các ngân hàng trung ương phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, gây khó khăn cho hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, xen lẫn sự tích cực là đôi chút thận trọng liên quan tới quá trình phục hồi “chậm và không thuận lợi” của kinh tế thế giới sau đại dịch, nguồn cơn gây ra tình trạng phân hóa tăng trưởng giữa các nhóm quốc gia.

Tổng giám đốc IMF cho biết thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu kể từ năm 2020 (thời điểm đại dịch bùng phát) đã chạm ngưỡng 3.700 tỷ USD. Hoạt động kinh tế tại Trung Quốc vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng trong khi nhiều quốc gia khác vật lộn với “tăng trưởng yếu”.

Tốc độ tăng trưởng hiện tại chưa thể hồi phục về ngưỡng trung bình 3,8% trong hai thập kỷ trước đại dịch Covid-19. Trong vòng 5 năm tới, con số trên có thể chậm hơn nữa, người đứng đầu IMF nhận định.

“Tăng trưởng manh mún đe dọa kéo giảm triển vọng kinh tế thời gian tới, đặc biệt đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển”, bà chia sẻ. Tuy nhiên, bà tiếp tục khẳng định “chiến đấu với lạm phát vẫn là ưu tiên số một ở thời điểm hiện tại”.

Trong tuần tới, IMF sẽ công bố một loạt các dự báo kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ hội nghị tại Ma Rốc, bên cạnh đó là những đánh giá đối với rủi ro mất ổn định tài chính, tài khóa. Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh thị trường tài chính toàn cầu xuất hiện nhiều bất ổn, bao gồm hiện tượng bán tháo trái phiếu, đẩy chi phí vay nợ lên cao. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc “cũng là một nỗi lo”, phản ánh những khó khăn trong lĩnh vực phi tài chính.

Đại Phú