Du khách đang nhìn vào một cánh tay rô bốt từ công ty Aubo Robotics tại Hội nghị Robot thế giới ở Bắc Kinh vào ngày 15 tháng 8 năm 2018. Ảnh: AP
Ngành công nghiệp sản xuất rô bốt công nghiệp của Nhật Bản đã trở thành nạn nhân mới nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, điều này đã cho thấy được mối liên kết chặt chẽ giữ các chuỗi cung ứng công nghiệp trên toàn cầu.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng trước, Ma Shugen – giáo sư khoa học rô bốt tại Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản cho biết, “Các nhà sản xuất Trung Quốc đã giảm đơn đặt hàng đột ngột đối với các sản phẩm rô bốt từ Nhật Bản”
Ông Ma còn nói thêm “Cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung đã khiến cho mức thuế quan đối với các nhà sản xuất Trung Quốc bị tăng vọt, vì vậy các công ty không sẵn sàng đầu tư để xây dựng các dòng sản phẩm mới và nhập khẩu máy móc.”
Trung Quốc là nhà nhập khẩu rô bốt công nghiệp do Nhật Bản sản xuất nhiều nhất, chiếm hơn 40% thị phần xuất khẩu các mặt hàng này của Nhật Bản trong năm 2018, theo báo cáo năm 2018 của Viện nghiên cứu Mizuho. Theo báo cáo được công bố vào tháng 9 của Viện nghiên cứu Mizuho, tổng sản lượng xuất khẩu rô bốt công nghiệp của Nhật Bản đã liên tục giảm, tính từ quý II năm 2018, và tốc độ giảm vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Tính đến tháng 6 năm 2019, sản lượng rô bốt công nghiệp Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc đã giảm 28% so với cùng kì năm ngoái. Các nhà kinh tế Nhật Bản cho rằng chính môi trường kinh tế bất lợi do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là nguyên nhân gây ra điều này.
Tính đến tháng 8 năm nay, giá trị đồng nhân dân tệ cũng đã suy yếu 7% so với đồng yên Nhật, điều này đã khiến cho hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản trở nên đắt đỏ hơn đối với các nhà sản xuất Trung Quốc.
Các nhà sản xuất rô bốt bị ảnh hưởng bao gồm FANUC – một trong những nhà sản xuất rô bốt công nghiệp lớn nhất thế giới. FANUC báo cáo rằng thu nhập ròng của họ đã bị giảm 48% trong quý so với cùng kỳ năm ngoái ( tính từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2019 ).
FANUC nói rằng sự sụt giảm này xảy ra là do nhu cầu nhập khẩu rô bốt công nghiệp của các nhà sản xuất Trung Quốc giảm xuống và do sự thận trọng trong vấn đề đầu tư vốn vào ô tô và các nghành công nghiệp nói chung ở Châu Âu.
Ông Yoshiharu Inaba – giám đốc điều hành của FANUC chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn vào năm ngoái rằng “ Nếu trong trường hợp mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc không có sự cải thiện thì chúng tôi cam chịu thực tế rằng công việc kinh doanh sẽ trở nên khó khăn hơn.”
Trong tháng này, Mỹ đã đánh một mức thuế mới 15% đối với 110 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, bao gồm các mặt hàng như hàng gia dụng, tai nghe Bluetooth và TV.
Trong khi đó, Yaskawa Electric Corp – một nhà sản xuất rô bốt công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản đã báo cáo rằng doanh thu thuần của họ trong quý (từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay ) đã giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đã dự báo rằng, cuối năm tài chính năm nay (kết thúc vào tháng 2 năm 2020), thu nhập ròng của họ sẽ giảm 15% so với năm ngoái và họ đã cho rằng chính những khó khăn về thương mại, thuế quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã gây ra điều này.
Mong muốn nâng cấp ngành công nghiệp sản xuất và đẩy mạnh chuỗi giá trị vào năm 2025 của Trung Quốc đã thúc đẩy nhu cầu về rô bốt công nghiệp tại nước này. Doanh số bán rô bốt tại Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi chỉ sau hai năm kể từ khi kế hoạch chính sách quốc gia Made in China 2025 được công bố vào năm 2015, theo Liên minh Công nghiệp rô bốt Trung Quốc.
Chính phủ Trung Quốc đã trợ cấp cho ngành công nghiệp rô bốt trong nước từ năm 2014 nhưng do tính phức tạp và thâm dụng vốn của ngành, cộng thêm yếu tố là Nhật Bản luôn là quốc dẫn đầu trong ngành sản xuất rô bốt công nghiệp nên việc nhập khẩu rô bốt chuyên dụng vẫn được coi là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà sản xuất Trung Quốc.
Thùy Dung