Fica
  1. Quốc tế

Ngân hàng Thế giới nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu

Đại Phú
Đại Phú

Quyết định trên được đưa ra nhờ vào sức mạnh phi thường của kinh tế Mỹ.

Ngân hàng Thế giới (WB) nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2024 với vai trò dẫn dắt của kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, cơ quan này cũng đưa ra những cảnh báo liên quan tới hiện tượng biến đổi khí hậu, xung đột và nợ công cao với những “nạn nhân” chủ yếu là các quốc gia nghèo khó. 

Cụ thể, trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu mới nhất, cơ quan này kỳ vọng nền kinh tế thế giới tăng trưởng 2,6% năm nay, cao hơn 20 điểm cơ bản so với nhận định hồi tháng 1. Trong khi đó, họ giữ nguyên dự báo đối với năm 2025 ở ngưỡng 2,7%. 

Sức mạnh của nền kinh tế số một thế giới là nguyên nhân chính khiến WB lạc quan hơn về tương lai kinh tế toàn cầu. Cơ quan này nâng mạnh dự báo tăng trưởng của Mỹ từ 1,6% lên 2,5%. Chính động thái này đã giúp lấn át đi quyết định cắt giảm tốc độ tăng trưởng đối với khu vực cận sa mạc Sahara, Trung Đông và Bắc Phi. 

Sức mạnh của kinh tế Mỹ giúp WB lạc quan hơn về triển vọng kinh tế toàn cầu

“Tin tốt là nền kinh tế toàn cầu đang ổn định trở lại và theo xu hướng tích cực hơn so với chúng tôi kỳ vọng hồi tháng 1. Một phần tới từ sức mạnh bất ngờ của kinh tế Mỹ”, Indermit Gill, Kinh tế trưởng WB, nhận định. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng hiện tại vẫn thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch, và đặc biệt “đối với những nền kinh tế nhỏ nhất và nghèo nhất, tình hình không hề thay đổi theo hướng tích cực khi nói về sự ổn định hoặc tăng trưởng”, ông bổ sung. 

Lạm phát toàn cầu được dự báo giảm còn 3,5% trong năm nay và 2,9% vào năm sau nhưng tốc độ đã chậm hơn so với báo cáo hồi tháng 1. Điều đó đồng nghĩa với thực tế nhiều ngân hàng trung ương có thể sẽ tỏ ra thận trọng hơn trước lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ và neo cao lãi suất ở ngưỡng trung bình 4% trong giai đoạn 2025-2026. 

Ngoài ra, Gill còn nêu bật những thách thức mà các nền kinh tế đang phát triển phải đối mặt khi thu hút vốn đầu tư tư nhân, giảm nợ công, cải tiến giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng cơ bản cũng như giải quyết tranh chấp và tình trạng biến đổi khí hậu. 

WB cũng vạch rõ những rủi ro có thể xảy ra đối với các quốc gia trên toàn cầu khi mối quan hệ thương mại toàn cầu suy yếu. Theo cơ quan này, 2024 chính là năm khép lại giai đoạn một nửa thập kỷ có tốc độ tăng trưởng thương mại thấp nhất trong vòng hơn 30 năm trở lại đây. 

“Triển vọng thương mại toàn cầu trở nên khó lường hơn so với một số thập kỷ gần đây, phần nào phản ánh sự phổ biến của các biện pháp hạn chế thương mại và bất ổn chính sách thương mại mà các quốc gia dựng nên”, WB cho biết. 

Đại Phú

Nguồn: Bloomberg
Tin liên quan