Fica
  1. Quốc tế

Ngân hàng lớn nhất Nhật Bản dự báo BOJ chấm dứt lãi suất âm sau 2 tuần nữa

Đang có một câu hỏi mà giới tài chính ở Nhật Bản đau đáu những ngày này: Khi nào thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) chấm dứt chính sách lãi suất âm?...

Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ở Tokyo - Ảnh: Bloomberg.

Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG), ngân hàng lớn nhất Nhật Bản, cho rằng động thái như vậy sẽ đến sau 2 tuần nữa, và nhà băng này cũng đã chuẩn bị sẵn sàng cho sự thay đổi đó của chính sách tiền tệ. Dự báo của MUFG có phần quả quyết hơn so với đặt cược trên thị trường hoán đổi (swap) - nơi các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng BOJ nâng lãi suất khỏi trạng thái âm trong cuộc họp tháng 3 là khoảng 50%, và khả năng một đợt tăng lãi suất như vậy trong cuộc họp tháng 4 là 80%.

Việc Thống đốc BOJ Kazuo Ueda đưa ra quyết định chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng trên thế giới sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản với quy mô 1.096 nghìn tỷ yên, tương đương 7,3 nghìn tỷ USD, và tỷ giá đồng yên Nhật.

“Tôi cho rằng việc chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3 là cần thiết, thay vì vào tháng 4”, ông Hiroyuki Seki, trưởng bộ phận kinh doanh toàn cầu của MUFG, nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo Japan Times. Theo ông Seki, sớm nhất đến tháng 10 năm nay, BOJ có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa lên 0,25% “để đảm bảo sự linh hoạt của chính sách trong tương lai”, sau khi tăng lãi suất trong cuộc họp vào ngày 19/3 tới đây - đợt nâng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 2007. Lãi suất cơ bản của BOJ hiện ở mức âm 0,1%.

BOJ “cần có một khoảng thời gian đủ dài trước khi tiến hành đợt nâng lãi suất tiếp theo”, ông Seki nhấn mạnh, và cho biết ông đưa ra dự báo như vậy dựa vào tín hiệu đến từ các phát biểu công khai của giới chức BOJ từ đầu năm đến nay.

Theo quan điểm của ông Seki, sẽ xảy ra “những thay đổi mang tính cấu trúc” trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản một khi BOJ đặt dấu chấm hết cho lãi suất âm và bắt đầu trả mức lãi 0,1% đối với các khoản dự trữ. Việc này có thể khiến nhu cầu trái phiếu chính phủ Nhật Bản sụt giảm, dẫn tới giá trái phiếu lao dốc và lợi suất tăng vọt.

Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm hiện dao động gần mốc 0,7%. Ông Seki dự báo khi BOJ nâng lãi suất khỏi trạng thái âm, lợi suất của trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm sẽ tăng dần lên mức 1% và cao hơn, trong khi lợi suất của kỳ hạn 5 năm sẽ tăng về mức 0,6% và cao hơn.

Theo tiết lộ của ông Seki, MUFG đang nắm giữ các trạng thái giá xuống đối với trái phiếu chính phủ Nhật thông qua các quỹ đầu tư và các hợp đồng hoán đổi lãi suất OIS nhằm phòng ngừa rủi ro khi BOJ nâng lãi suất. “Chúng tôi đã chuẩn bị để gia tăng khả năng chống chọi với sự gia tăng lãi suất đồng yên”, ông nói.

Theo ông Seki, BOJ sẽ không chỉ tăng lãi suất.

Khi mới đưa ra chính sách lãi suất âm vào năm 2016, BOJ áp dụng một hệ thống gồm 3 cấp, trong đó các mức lãi suất 0,1%; 0% và âm 0,1% được áp duụng đối với số dư dự trữ gửi tại BOJ của các ngân hàng thương mại. Ông Seki nói BOJ có thể sẽ xoá bỏ hệ thống lãi suất này cùng với việc chấm dứt lãi suất âm, và mức lãi suất 0,1% có thể sẽ được áp đối với tất cả các khoản dự trữ tại ngân hàng trung ương.

Tuy nhiên, ông dự báo BOJ sẽ giữ nguyên chính sách kiểm soát đường cong lợi suất (YCC) trong một thời gian nữa để giảm bớt mức độ biến động trên thị trường tài chính sau khi thay đổi chính sách. “Tôi không nghĩ là BOJ sẽ xoá bỏ mức trần lợi suất, mà sẽ chỉ làm cho mức trần trở nên linh hoạt hơn”, ông nhận định.

Việc BOJ nâng lãi suất sẽ trái ngược với kỳ vọng về chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn khác trong năm nay, khi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) đều được dự báo sẽ hạ lãi suất trong năm nay.

Do trái chiều chính sách tiền tệ giữa BOJ và Fed trong mấy năm qua, khi BOJ giữ lãi suất âm và Fed tăng lãi suất dồn dập để chống lạm phát, đồng yên đã trượt giá về vùng 150 yên đổi 1 USD. Lần thay đổi chính sách sắp tới của BOJ và sự trái chiều chính sách với Fed theo hướng ngược lại được dự báo sẽ dẫn tới sự hồi phục của đồng yên.

Ông Seki cho rằng việc Fed chuyển sang giảm lãi suất sẽ không thể ngăn BOJ hành động theo chiều ngược lại, miễn sao nền kinh tế Mỹ không sụt tốc mạnh và các động thái chính sách của Fed chủ yếu mang tính chất đón đầu.

Cũng theo ông Saki, việc BOJ chấm dứt chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo “được kỳ vọng sẽ hãm phanh sự lỏng lẻo trong kỷ luật tài khoá” của Nhật Bản, trong bối cảnh dư luận nước này lo ngại rằng khoảng thời gian nhiều năm BOJ ồ ạt mua trái phiếu chính phủ đã khiến cho Chính phủ nước này chi tiêu dễ dãi, dẫn tới thâm hụt ngân sách khổng lồ.

Theo An Huy

VNEconomy