Ngân hàng Trung ương Nga mới đây đã tăng mạnh lãi suất tham chiếu lên mức 18% và là mức lãi suất cao nhất kể từ tháng 4/2022. Trước đó, ngân hàng trung ương Nga từng tăng lãi suất lên 20% trong một động thái khẩn cấp ngay sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022.
RCB cho biết việc nâng lãi suất nhằm kiểm soát đà tăng tốc của lạm phát đang ở mức cao. Lạm phát tháng 7 đã tăng lên 9% so với mức 8,6% hồi tháng 6. Trong khi trước đó, lạm phát tại nước này hạ nhiệt từ 11,9% vào năm 2022 còn 7,4% vào 2023.
"Tăng trưởng nhu cầu trong nước vẫn vượt xa khả năng mở rộng nguồn cung hàng hóa và dịch vụ. Việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu đòi hỏi các điều kiện tiền tệ phải thắt chặt hơn nhiều so với dự kiến trước đó", RCB nhấn mạnh.
Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc RCB, nhận định nền kinh tế Nga đang "quá nóng". Đồng thời, bà cho biết đã có sự đồng thuận trong ban lãnh đạo RCB về quyết định tăng lãi suất, thậm chí một số người còn đề xuất tăng mạnh hơn.
Bà Elvira Nabiullina, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga (Ảnh: Reuters) |
Ngoài ra, RCB thay đổi dự báo tăng trưởng GDP năm nay là 3,5-4%, thay vì 2,5-3,5% như trước đó. Tổng thống Vladimir Putin ước tính rằng nền kinh tế Nga đã tăng trưởng hơn 5% trong nửa đầu năm nay. Đồng thời, RCB cũng nâng dự báo lạm phát cả năm lên 6,5–7%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 4%. Họ kỳ vọng tăng trưởng giá hàng năm sẽ giảm xuống còn 4-4,5% vào năm 2025. RCB cho rằng để lạm phát giảm trở lại, chính sách tiền tệ cần phải được thắt chặt hơn nữa.
Theo bà Nabiullina, nền kinh tế Nga đang đi chệch khỏi con đường tăng trưởng cân bằng. Tình trạng thiếu hụt lao động và sự mở rộng liên tục của cho vay bán lẻ và doanh nghiệp cũng là những yếu tố dẫn đến lạm phát cao. Bà Nabiullina dự kiến lạm phát bắt đầu giảm vào tháng 7 nhưng cần nhiều thời gian hơn để đạt được mức giảm bền vững, đồng thời thừa nhận đã đánh giá thấp tác động của chi tiêu ngân sách với lạm phát trong nửa đầu năm.
Huỳnh Anh