Fica
  1. Quốc tế

Nga - Mỹ - Trung tăng tốc cạnh tranh, "đấu trường" Bắc Cực tăng nhiệt

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Cả Nga, Mỹ, Trung Quốc đang theo đuổi các chiến lược riêng ở Bắc Cực. Đây hứa hẹn sẽ là đấu trường cạnh tranh địa chiến lược mới trong tương lai không xa.

Nga - Mỹ - Trung tăng tốc cạnh tranh, đấu trường Bắc Cực tăng nhiệt - 1

Siêu tàu phá băng Sibir - phương tiện thể hiện vị thế hàng đầu của Nga ở Bắc Cực hiện nay (Ảnh: RT).

Nikkei đưa tin, các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Nga sẽ gặp nhau tại cuộc họp Hội đồng Bắc Cực vào tuần này, trong bối cảnh Washington bày tỏ lo ngại về việc Moscow tăng cường hoạt động quân sự ở khu vực và Trung Quốc cũng muốn "chen chân" vào vùng có vị trí chiến lược quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 18/5 đã nêu ra những quan ngại của nước này về các hoạt động quân sự của Nga ở Bắc Cực, cho rằng điều đó có thể làm gia tăng sự nguy hiểm, hoặc viễn cảnh xảy ra các tai nạn, tính toán sai lầm, làm ảnh hưởng tới mục tiêu chung về một tương lai bền vững và hòa bình ở khu vực.

Cuộc họp 2 ngày sẽ bắt đầu vào 19/5 với sự tham gia của 8 quốc gia có lãnh thổ mở rộng ra ngoài vùng Vòng Bắc Cực, bao gồm Mỹ và Nga. Trung Quốc, nước tự coi mình là quốc gia "cận Bắc Cực", không đủ điều kiện tham gia sự kiện này.

Ngoại trưởng Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov sẽ bàn bạc song phương về hàng loạt vấn đề và giới quan sát đang chờ xem 2 phía liệu có thể xoa dịu bớt căng thẳng quân sự và mở đường cho việc hợp tác hay không.

Cảnh báo của ông Blinken được đưa ra chưa đầy một tuần sau khi Tướng Nga Alexander Moiseyev, Chỉ huy Hạm đội phương Bắc, cảnh báo về "sự gia tăng hiện diện quân sự của Mỹ và NATO gần biên giới của Nga ở Bắc Cực".

Nga viện dẫn hành vi của NATO là lý do họ tổ chức các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn với sự tham gia của tàu ngầm và tàu chiến ở Bắc Cực hồi tháng 4. Mục tiêu của các cuộc tập trận nhằm phô diễn sức mạnh quân sự của Nga, để bảo vệ lợi ích kinh tế của họ ở khu vực.

Màn phô diễn uy lực chưa từng có của 3 tàu ngầm hạt nhân Nga

Nga có 3 triệu km2 lãnh thổ và lãnh hải ở vùng Vòng Bắc Cực, chiếm 18% tổng diện tích, theo Tass. Nước này đang thực hiện các dự án khai thác khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở phía bắc dọc theo Biển Kara.

Trong bản kế hoạch chiến lược về Bắc Cực công bố hồi tháng 1, Hải quân Mỹ cảnh báo " nếu không có sự hiện diện của Mỹ và các đối tác ở khu vực Bắc Cực, hòa bình và thịnh vượng ở khu vực sẽ bị Nga và Trung Quốc thách thức".

Trung Quốc "giành phần" ở Bắc Cực

Trong khi Trung Quốc không liên quan tới các hoạt động quân sự ở Bắc Cực, nước này đã bày tỏ rõ ràng sự quan tâm tới các lợi ích kinh tế tại đây. Trung Quốc đã đề xuất hợp tác với Nga trong dự án "Con đường Tơ lụa trên băng" nhằm kết nối với sáng kiến "Một vành đai, một con đường" mà Bắc Kinh đang triển khai để nối tuyến vận tải giữa châu Á và châu Âu.

Tuyến đường vận tải qua Bắc Cực có thể cắt giảm 30% thời gian so với các tuyến đường hiện tại từ Ấn Độ Dương đi qua kênh đào Suez.

Năm tới, Trung Quốc dự kiến sẽ phóng vệ tinh hình ảnh đầu tiên để giám sát các tuyến đường vận chuyển ở Bắc Cực. Bắc Kinh cũng đang tiến hành kế hoạch đóng tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân, theo Reuters.

Trung Quốc còn để mắt tới nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Bắc Cực. Bắc Kinh đang tìm cách giành quyền khai thác đất hiếm trên đảo Greenland của Đan Mạch.

Ngoại trưởng Blinken hôm 18/5 thông báo rằng, sẽ không có một sự hạn chế nào chống lại Trung Quốc hay bất cứ ai khi đầu tư vào dự án kinh tế ở Bắc Cực. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ nhấn mạnh rằng, các bên cần "chơi đúng luật và đảm bảo các ngành công nghiệp và công nghệ nhạy cảm nhất sẽ được bảo vệ".

Đức Hoàng

Theo Nikkei