Nga đã kiếm được 97 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu trong 100 ngày đầu của cuộc xung đột Ukraine (Ảnh: Getty). |
BBC dẫn báo cáo từ CREA cho biết, mặc dù doanh thu từ xuất khẩu năng lượng của Nga đã giảm mạnh kể từ tháng 3 khi nhiều nước xa lánh nguồn cung của Nga, song Nga vẫn kiếm đậm nhờ giá năng lượng tăng cao.
Theo đó, Nga đã kiếm được 97 tỷ USD doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu trong 100 ngày đầu của cuộc xung đột Ukraine, từ 24/2 đến 3/6. Trong đó, Liên minh châu Âu (EU) chiếm 61% với trị giá khoảng 59 tỷ USD.
Điều này, theo CREA, cho thấy có những kẽ hở tiềm ẩn trong nỗ lực hạn chế nhập khẩu năng lượng từ Nga. EU, Mỹ và Anh đã cam kết cắt giảm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Báo cáo của CREA cho biết, nhìn chung xuất khẩu dầu và khí đốt của Nga đang giảm và nguồn thu từ bán năng lượng của Moscow đã giảm từ mức đỉnh hơn 1 tỷ USD/ngày trong tháng 3. Nhưng nguồn thu này vẫn cao hơn nhiều so với chi phí mà Nga chi ra cho cuộc chiến tại Ukraine trong 100 ngày đầu tiên là 876 triệu USD/ngày, theo ước tính của CREA.
EU đang có kế hoạch giảm nhập khẩu dầu của Nga đến bằng đường biển vào cuối năm nay, tương đương giảm 2/3 lượng nhập khẩu. Hồi tháng 3, khối này cũng đã cam kết giảm 2/3 nhập khẩu khí đốt từ Nga trong vòng một năm.
Tuy nhiên, cho đến nay, khối này vẫn chưa thống nhất một lệnh cấm hoàn toàn đối với dầu và khí đốt của Nga.
Trong khi đó, Mỹ đã tuyên bố cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu, khí đốt và than đá của Nga. Vương quốc Anh cũng loại bỏ dần nhập khẩu dầu Nga vào cuối năm nay.
CREA cho rằng, kế hoạch cấm vận dầu Nga của EU sẽ có tác động đáng kể đến nguồn thu của nước này.
Nhưng CREA cũng cảnh báo một lượng lớn dầu Nga đang được chuyển đến Ấn Độ. Quốc gia Nam Á này đã tăng tỷ trọng nhập khẩu dầu thô của Nga từ mức 1% trước cuộc chiến lên 18% trong tháng 5.
Báo cáo của CREA cho rằng, “một phần đáng kể” trong số này đã được tinh chế và bán lại, thường là cho các khách hàng của Mỹ và châu Âu, do đó, cần bịt lỗ hổng này. Ngoài ra, theo CREA, các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ đối với các tàu vận chuyển dầu thô của Nga sẽ hạn chế đáng kể phạm vi hoạt động này. Do phần lớn các tàu chở dầu thuộc sở hữu của các công ty ở châu Âu và Mỹ.