Fica
  1. Quốc tế

Nga dè chừng các khoản đầu tư từ Trung Quốc

Bài lấy lại
Bài lấy lại

Tuần trước khi một tòa án ở Nga ra phán quyết ngừng hoạt động xây dựng một nhà máy sản xuất nước đóng chai ở ven hồ Baikal, Siberia (Nga), động thái này được coi là thắng lợi cho các nhà hoạt động vì môi trường.

Nga.jpg

Dự án xây nhà máy sản xuất nước đóng chai của Trung Quốc ở ven hồ Baikal (Nga) đã bị tạm dừng. (Ảnh: AFP)



Đó là bởi hồ Baikal là hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Dư luận, đặc biệt là ở Nga, lo ngại rằng dự án xây nhà máy ở đây có thể gây những tác động tiêu cực không thể khắc phục được.

Dự án này khởi công hồi tháng 1 năm nay, song buộc phải tạm dừng vô thời hạn do sự phản đối của dư luận. Một đơn kiến nghị trực tuyến phản đối dự án đã thu được hơn 1 triệu chữ ký, trong khi một tài khoản Instagram phản đối dự án thu hút hơn 167.000 người theo dõi. Sự phản đối này cũng cho thấy những lo ngại ngày càng tăng của người Nga về các khoản đầu tư của Trung Quốc trong khu vực.

Dự án nhà máy sản xuất nước đóng chai ven hồ Baikal là dự án được thi công bởi AquaSib, một doanh nghiệp Nga thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc có trụ sở ở tỉnh Hắc Long Giang (Trung Quốc), cách hồ Baikal gần 1.500km. Ngoài ra, theo AquaSib, 80% nước đóng chai từ dự án này sẽ được xuất khẩu sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc.

"Các vấn đề tương tác làm ăn ở Siberia giữa Nga và Trung Quốc đã tạo ra vấn đề thực sự cho Moscow. Dư luận ở Nga và đa số truyền thông quần chúng đều phản đối các dự án của Trung Quốc", Yury Tavrovsky, giáo sư tại Đại học Hữu nghị Nhân dân của Nga, nhận định. Vị giáo sư này nói thêm: "Nhà máy sản xuất nước đóng chai mới này chỉ làm tăng quan điểm tiêu cực của một bộ phận người Nga với Trung Quốc".

Quan hệ giữa Nga và phương Tây leo thang căng thẳng đáng kể sau sự kiện Nga cho sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ hồi tháng 3/2014. Diễn biến này khiến chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin đẩy mạnh chính sách xoay trục sang châu Á, trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tác Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh quan hệ với phương Tây căng thẳng, cuộc chiến thương mại với Mỹ chưa có dấu hiệu lắng xuống cùng với những hoài nghi về tham vọng dự án Sáng kiến một vành đai, một con đường của Bắc Kinh, Trung Quốc cũng đẩy mạnh các mối quan hệ hợp tác với Nga.

Trước chuyến thăm Moscow năm 2017, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết với truyền thông Nga rằng, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang ở thời điểm "tốt đẹp nhất trong lịch sử".

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Nga đã tăng gần 9 lần, đạt xấp xỉ 14 tỷ USD năm 2017, số liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết. Trong đó, 2/3 khoản đầu tư nhằm vào nguồn tài nguyên thiên nhiên của Nga gồm khai mỏ, lâm nghiệp, ngư nghiệp và nông nghiệp.

Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Trung Quốc cũng gây không ít lo ngại ở xứ sở bạch dương, đặc biệt là ở Siberia và vùng Viễn Đông. Nhiều người dân địa phương cho rằng, các khoản đầu tư của Trung Quốc là một hình thức kiểm soát đất đai ở Nga, mặt khác chúng cũng gây lo ngại về các tác động môi trường. Các nhà đầu tư Trung Quốc những năm gần đây đã mua đất để xây khách sạn kinh doanh du lịch ở khu vực hồ Baikal, một động thái khiến nhiều người lo ngại.

Minh Phương
Theo SCMP