Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (Ảnh: TASS).
Phát biểu nhân chuyến thăm không báo trước đến một địa điểm diễn tập quân sự ở bán đảo Crimea ngày 22/4, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ra lệnh cho binh sĩ bắt đầu rút khỏi Crimea và khu vực biên giới với Ukraine để trở về căn cứ thường trực.
Theo đó, ông Shoigu đã lệnh cho các lực lượng mặt đất của Nga trở lại các căn cứ ở Vladikavkaz và Novosibirsk, trong khi các đơn vị không quân trở về căn cứ ở Pskov, Ivanovo và vùng Krasnodar trước ngày 1/5. Tuy nhiên, các khí tài và thiết bị quân sự vẫn giữ lại ở trường bắn Pogonovo ở vùng Voronezh, cách biên giới Ukraine khoảng 160km về phía đông vì chúng có thể phục vụ cho các cuộc diễn tập của quân đội Nga vào cuối năm nay.
Nói về lý do rút lực lượng, ông Shoigu cho biết: "Tôi tin rằng chúng tôi đã đạt được các mục tiêu của đợt kiểm tra (mức độ sẵn sàng của quân đội) này. Các binh sĩ đã cho thấy khả năng bảo vệ đất nước một cách đáng tin cậy. Do vậy, tôi quyết định hoàn tất đợt kiểm tra năng lực quân khu phía Tây và phía Nam".
Tuy nhiên, ông Shoigu cũng ra lệnh cho quân đội sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến bất lợi có thể xảy ra.
Quyết định rút quân của Nga được đưa ra sau một thời gian phương Tây chỉ trích và bày tỏ quan ngại việc Moscow tăng cường lực lượng quân sự ở Crimea và gần biên giới Ukraine với quy mô lớn chưa từng có kể từ năm 2014.
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho biết, các cuộc tập trận ở Crimea những tuần gần đây có sự tham gia của hơn 60 tàu, hơn 10.000 binh sĩ, khoảng 200 máy bay và 1.200 xe quân sự. Trước đó, giới ngoại giao và quân sự phương Tây ước đoán, Nga đã triển khai hơn 120.000 binh sĩ ở Crimea và gần biên giới Ukraine.
Tuy rút phần lớn binh sĩ, nhưng Nga vẫn duy trì các vũ khí hạng nặng gần biên giới Ukraine (Ảnh: Getty).
Ukraine hoan nghênh
Hiện chưa rõ quyết định rút quân của Nga sẽ tác động thế nào đến tình hình căng thẳng suốt thời gian qua ở biên giới với Ukraine nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng hoan nghênh động thái này. Ông bình luận trên Twitter: "Việc rút dần quân khỏi biên giới hai nước sẽ hạ nhiệt căng thẳng. Ukraine vẫn cảnh giác, nhưng rất hoan nghênh bất cứ động thái nào nhằm giảm quy mô hiện diện quân sự và xuống thang căng thẳng ở vùng Donbass".
Hôm 20/4, ông Zelensky chủ động đề nghị gặp và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ở vùng chiến sự miền Đông trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Đáp lại đề nghị, Tổng thống Putin hôm qua tuyên bố sẵn sàng thảo luận vấn đề quan hệ song phương với người đồng cấp Ukraine tại Moscow bất cứ khi nào thích hợp với nhà lãnh đạo Ukraine.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Washington sẽ "tiếp tục theo dõi sát" tình hình ở biên giới Nga - Ukraine sau khi Moscow lệnh rút quân. "Tất cả vẫn mới chỉ là thông báo. Vì vậy, đó là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục giám sát chặt tình hình", ông Price nói.
Minh Phương
Theo AFP, Reuters