Fica
  1. Quốc tế

Nền kinh tế thế giới đang trượt vào suy thoái lần đầu tiên kể từ đại khủng hoảng năm 2009?

Nền kinh tế toàn cầu đang chao đảo và liệu có chìm vào suy thoái hay không là câu hỏi lớn đối với thị trường tài chính, những chính phủ điều hành và hành lang quyền lực trên toàn thế giới.

 

Các nhà đầu tư có những động thái tích cực hơn vào thứ Sáu khi Mỹ đạt được thỏa thuận thương mại một phần với Trung Quốc, nhưng cũng có nhiều dấu hiệu rằng Mỹ có thể ký kết một thỏa thuận chia cắt với Liên minh Châu Âu. Những cuộc tranh luận về việc liệu nền kinh tế thế giới có dần chìm lại vào cuộc suy thoái lần đầu tiên kể từ năm 2009 đang bắt đầu quay trở lại.

Chắc chắn sẽ có các cuộc thảo luận trong tuần này tại cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Washington. Các chỉ số theo dõi GDP toàn cầu của cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế đã chậm lại đến 2,2% trong quý thứ ba, giảm từ 4,7% vào đầu năm 2018.

Nhà điều hành mới của IMF, Kristalina Georgieva, nhận thấy có những rủi ro nghiêm trọng, sự chậm lại của nền kinh tế sẽ lan rộng và vào thứ ba, IMF có khả năng cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2019 xuống mức 3,2%, yếu nhất kể từ năm 2009.

Các nhà giao dịch trái phiếu chắc chắn sẽ lo ngại - 14 nghìn tỷ đô la trái phiếu đang mang lại lãi suất âm.

Tom Mitchik, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg, nói rằng thế giới đang rất cần phải đi đúng hướng để tránh được một cuộc suy thoái lớn vào năm 2020.

Lý do để lo lắng:

Chiến tranh thương mại

Tổng thống Donald Trump với cuộc đụng độ thương mại kéo dài 18 tháng cùng nhà lãnh đạo đồng cấp Tập Cận Bình đã gây áp lực lên sự tăng trưởng của toàn cầu. Mặc dù có một sự đột phá vào thứ Sáu với việc Bắc Kinh đăng ký mua thêm các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ và Nhà Trắng đình chỉ một đợt thuế quan khác, nhưng các tranh chấp gai góc nhất vẫn còn tồn tại và rất nhiều nhiệm vụ vẫn còn. Các mục tiêu quan trọng nhất của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại vẫn đang dang dở, đó là các cáo buộc về hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, bắt buộc chuyển giao công nghệ và khiếu nại về trợ cấp công nghiệp của Trung Quốc. Thêm vào đó, Tổng thống Trump vẫn có thể áp thuế đối với các nhà sản xuất ô tô châu Âu.

Sản xuất bất ổn

Không còn nghi ngờ gì nữa, các nhà sản xuất là nạn nhân lớn nhất của cuộc chiến tranh thương mại và sản xuất toàn cầu đã suy giảm trong 5 tháng liên tiếp. Đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô - một vấn đề đau đầu đối với các nền kinh tế xuất khẩu nặng như Đức và Nhật Bản. Các doanh nghiệp đang cắt giảm dần sản xuất và đầu tư phi dân cư của Mỹ đã giảm trong quý thứ hai lần đầu tiên sau ba năm. Câu hỏi đặt ra là liệu cơn đau thắt tại các nhà máy này có lây nhiễm sang dịch vụ hay không, thêm một yếu tố khác vào sự sụt giảm?

Địa chính trị

Cũng như cuộc giao tranh giữa Mỹ và Trung Quốc, Anh và EU vẫn chưa chính thức ký kết thỏa thuận Brexit. Mỹ đang bất hòa với Iran sau cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các mỏ dầu của Ả Rập Saudi và một tàu chở dầu của Iran đã bốc cháy sau vụ nổ gần cảng Jeddah của Ả Rập Saudi vào thứ Sáu. Điều này có nguy cơ làm tăng giá dầu. Các cuộc biểu tình ở Iraq đã trở nên bạo lực, Thổ Nhĩ Kỳ đã phát động một cuộc tấn công ở Syria và những cuộc tuần hành kéo dài ở Hồng Kông có thể khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Argentina đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng tài chính khác, dường như một chính phủ thân thiện với thị trường sẽ bị lật đổ, và Ecuador, Peru hay Venezuela cũng đang có vấn đề chính trị. Một cuộc điều tra luận tội với Tổng thống Trump cũng như chiến dịch bầu cử năm 2020 cũng có thể thúc đẩy Tổng thống đẩy mạnh chương trình nghị sự chống toàn cầu hóa.

Lợi nhuận bị chèn ép

Tăng trưởng lợi nhuận toàn cầu bị đình trệ trong quý hai, làm giảm niềm tin kinh doanh và dẫn đến việc cắt giảm chi tiêu vốn trên toàn thế giới. Đằng sau việc siết chặt thu nhập là vấn đề tăng lương công nhân và năng suất tăng trưởng mờ nhạt. Điều nguy hiểm là các tập đoàn bị chèn ép lợi nhuận sẽ tiếp tục đè ép lực lượng lao động của họ, đánh gục niềm tin của người tiêu dùng và giảm chi tiêu.

Ngân hàng trung ương bị ép

Chính sách tiền tệ có thể dễ dàng hơn vào đầu năm, nhưng các ngân hàng Trung ương thiếu các công cụ  và trong một số trường hợp có thể đã hành động quá chậm. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ FED đã cắt giảm tỷ lệ chuẩn của mình khoảng 500 điểm cơ bản trong cả ba cuộc suy thoái kể từ đầu những năm 1990, nhưng giờ đây các ngân hàng đã bắt đầu cắt giảm trong năm nay với chỉ một nửa số tiền có sẵn. Ngân hàng Trung ương châu Âu và Ngân hàng Nhật Bản đã thiết lập lãi suất âm với những nghi ngờ rằng họ có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Quỹ tiền tệ quốc tế IMF nằm trong số những tổ chức đang thúc giục các chính phủ thế giới nới lỏng ngân sách, nhưng có những dấu hiệu cho thấy những chính sách tài khóa sẽ không chủ động phản ứng.

Mặc dù Morgan Stanley ước tính thâm hụt tài khóa đã tăng lên 3,5% tổng sản phẩm quốc nội tại các nền kinh tế lớn từ con số 2,4% vào năm ngoái, nhưng nó chỉ tăng lên 3,6% trong năm tới.

Một số chính phủ đang chi tiêu nhiều hơn, nhưng Trung Quốc và Đức, cả hai quốc gia có năng lực kích thích tài khóa lớn nhất, đang kìm hãm và Nhật Bản chỉ muốn tăng thuế bán hàng.

Thùy Dung

Theo Bloomberg