Chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite đều ghi nhận mức giảm lớn trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục “tháo chạy” khỏi nhóm cổ phiếu công nghệ để chuyển hướng sang những cái tên nhạy cảm hơn với lãi suất khi kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sớm nới lỏng chính sách tiền tệ tăng cao.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch 17/7, chỉ số S&P 500 giảm 1,39% xuống 5.588,27 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 2,77% xuống 17.996,92 điểm, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2022. Đây cũng là lần đầu tiên trong tháng chỉ số này xuống dưới ngưỡng 18.000 điểm.
Ở chiều ngược lại, chỉ số Dow Jones Industrial Average nối dài đà tăng khi có thêm 243,6 điểm, tương đương 0,59%, lên 41.198,08 điểm. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử chỉ số này vượt 41.000 điểm.
Dow Jones lập đỉnh mới trong khi Nasdaq giảm mạnh |
Mức tăng 4,5% của cổ phiếu UnitedHealth sau khi được một tổ chức tài chính phố Wall khuyến nghị sau báo cáo kết quả kinh doanh quý II tốt hơn kỳ vọng góp công lớn đẩy chỉ số Dow Jones đi lên. Trong phiên giao dịch trước đó, chỉ số này tăng tới hơn 740 điểm, mạnh nhất trong vòng hơn một năm trở lại đây.
Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq tiếp tục chịu ảnh hưởng từ hành vi bán tháo một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn dù “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo vẫn chưa hết nóng. Trên thực tế, 17/7 là phiên giao dịch đầu tiên kể từ năm 2021 mà Nasdaq tụt hơn 2,5% trong khi Dow Jones ngược dòng. Công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông là hai nhóm ngành giảm mạnh nhất trong bộ chỉ số S&P 500. Nổi bật nhất, giá cổ phiếu Meta Platforms (công ty mẹ Facebook) giảm 5,7%. Apple giảm 2,5%. Netflix, Microsoft đều giảm trên 1%.
Nhóm cổ phiếu chip bán dẫn cũng chật vật trước thông tin Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc các biện pháp hạn chế thương mại mạnh tay hơn nếu các doanh nghiệp tiếp tục cho phép Trung Quốc tiếp cận công nghệ của mình. Chỉ số VanEck Semiconductor ETF (SMH) giảm hơn 7%, mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Giá cổ phiếu Nvidia và TSMC giảm lần lượt hơn 6% và 8%.
Chỉ số Russell 2000 cũng giảm 1%, khép lại chuỗi tăng kéo dài 5 phiên liên tiếp. Hiện tại, chỉ số này vẫn tăng hơn 9% trong 5 phiên giao dịch gần nhất trong khi Nasdaq mất 3%.
Sự thay đổi khẩu vị đầu tư diễn ra trong bối cảnh nhà đầu tư lạc quan hơn về khả năng Fed giảm lãi suất, vốn có lợi cho các công ty vốn hóa nhỏ hoặc có chi phí tài chính cao. Hiện xác suất Fed thực hiện điều này trong kỳ họp tháng 9 lên tới gần 100%.
“Nhà đầu tư bán cổ phiếu vốn hóa lớn để chốt lời, dùng tiền đó để mua vào các cổ phiếu có tính chu kỳ cao”, Mike Dickson, Trưởng nhóm nghiên cứu và chiến lược định lượng tại Horizon Investments, chia sẻ. “Tôi không bất ngờ nếu xu hướng này tiếp diễn”, ông bổ sung.
Đại Phú