(Ảnh minh họa: Reuters)
Mỹ ngày 7/8 đã chính thức ban hành lệnh cấm tạm thời các cơ quan liên bang Mỹ mua sắm thiết bị viễn thông và công nghệ từ Huawei và các công ty công nghệ Trung Quốc như ZTE, Hytera, Hangzhou Hikvision và Dahua bắt đầu từ ngày 13/8.
Lệnh cấm được đưa ra dựa theo đạo luật ủy quyền quốc phòng được Quốc hội Mỹ thông qua trước đó.
Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm hạn chế mối đe dọa an ninh quốc gia từ Huawei và các công ty công nghệ mà Washington cáo buộc có mối liên hệ với cơ quan tình báo Trung Quốc.
Lệnh cấm được thực thi trong bối cảnh chiến tranh thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nóng lên mỗi ngày. Giới chuyên gia cảnh báo nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng mạnh khi 2 bên liên tiếp tung đòn tấn công lẫn nhau.
Ngoài ra, Huawei cũng phải đối mặt với lệnh trừng phạt ngăn việc các công ty xuất khẩu công nghệ Mỹ nằm trong danh mục an ninh quốc gia tới tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc.
Huawei từng liên tiếp bác bỏ các cáo buộc rằng họ có liên quan tới tình báo Trung Quốc và tuyên bố sẽ kiện lệnh cấm ra toàn án liên bang.
Phát ngôn viên của Hikvision cho biết họ cam đoan tuân thủ mọi luật lệ và nguyên tắc tại quốc gia mà họ vận hành kinh doanh. Các công ty khác chưa đưa ra bình luận khi Reuters liên hệ.
Theo Reuters, ngay khi lệnh cấm tạm thời được ban hành, sẽ có 60 ngày để các bên gửi phản hồi cho chính phủ Mỹ về các ý kiến đóng góp. Sau khoảng thời gian này, lệnh cấm phiên bản cuối cùng có thể sẽ được ban hành.
Thương chiến Mỹ - Trung đã tiếp tục leo thang thời gian qua trong bối cảnh 2 bên vẫn chưa đạt được bất cứ đột phá nào trong đàm phán hiệp định thương mại mới. Mỹ hồi đầu tuần đã chính thức đưa Trung Quốc vào danh sách quốc gia “thao túng tiền tệ”, một động thái họ chưa làm với bất cứ quốc gia nào trong 25 năm qua. Washington cáo buộc Trung Quốc cố tình hạ giá đồng Nhân dân tệ nhằm đạt được lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế.
Trung Quốc hôm 6/8 đã cáo buộc Mỹ làm ảnh hưởng tới trật tự thế giới thông qua “chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương”.
Đức Hoàng
Theo Reuters, AFP