Theo Bộ Tài chính Mỹ, UDG đã “núp bóng” dưới danh nghĩa một công ty Campuchia để xây dựng khu nghỉ dưỡng trên khu đất thuộc vườn quốc gia. |
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy sự cạnh tranh gay gắt của Washington với Bắc Kinh hiện đã lan tới Đông Nam Á.
Bộ Tài chính Mỹ đã cáo buộc Tập đoàn Liên minh Phát triển (UDG) “thâu tóm và phá dỡ đất đai của người dân địa phương ở Campuchia” để xây dựng Dara Sakor - khu nghỉ dưỡng rộng 36.000 ha với các hạng mục bao gồm sân golf, casino, khu nhà ở cao cấp, một sân bay và một hải cảng đủ lớn cho các tàu du lịch.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, UDG đã “núp bóng” dưới danh nghĩa một công ty Campuchia để xây dựng khu nghỉ dưỡng trên khu đất thuộc vườn quốc gia. UDG đã “buộc người dân Campuchia rời bỏ đất đai của họ và tàn phá môi trường”, Bộ này cho biết.
Dự án này của UDG đã được cấp giấy phép thuê đất này trong 99 năm kể từ năm 2008.
Bộ Tài chính Mỹ cho rằng, cũng như các dự án trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, dự án này mang lại lợi ích không cân xứng với cái giá mà người dân Campuchia phải trả.
Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc là một chương trình lớn của chính phủ nước này nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng - từ sân vận động, đường sắt cho đến mạng 5G - ở một loạt các quốc gia trên thế giới.
Hiện UDG vẫn chưa đưa ra lời bình luận nào về lệnh trừng phạt này.
Theo mô tả trên website của công ty, dự án ở Campuchia là “dự án phát triển khu vực lớn nhất trong sáng kiến Vành đai và Con đường của chính phủ Trung Quốc” và là “dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà còn trên thế giới nói chung”.
Một báo cáo đặc biệt về nhân quyền ở Campuchia công bố năm 2012 của Liên Hợp Quốc cũng đã cáo buộc UDG vào thời điểm đó đã di dời hơn 1.000 gia đình Campuchia rời khỏi làng mạc của họ.
“Công ty đã không tham khảo ý kiến của các cộng đồng bị ảnh hưởng về dự án và những tác động tiềm tàng của nó nhưng đại diện công ty và quan chức địa phương đã cho đo đạc đất đai trước khi ký hợp đồng vào năm 2008”, báo cáo cho biết.
Lệnh trừng phạt được ban hành vào hôm qua sau khi chính quyền Trump gần đây công bố cái gọi là “Diễn đàn hợp tác chiến lược” mới và mở rộng với khu vực Sông Mê Kông, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, họ đã đầu tư khoảng 3,5 tỷ USD viện trợ cho toàn bộ khu vực sông Mekong kể từ năm 2009.
Courtney Hulse, một nhà phân tích tại RWR Advisory Group, chuyên theo dõi các khoản đầu tư của Trung Quốc trên khắp thế giới, ước tính rằng, Trung Quốc đã đầu tư khoảng 34,1 tỷ USD vào Campuchia kể từ năm 2013.
Theo SCMP, các biện pháp trừng phạt này là lệnh trừng phạt mới nhất trong năm nay nhằm vào các công ty và quan chức Trung Quốc.
Nhật Linh
Theo SCMP