RCEP là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới (Ảnh minh họa: Reuters)
Theo Reuters, Phòng Thương mại Mỹ đưa ra nhận định trên vào ngày 16/11 sau sự kiện RCEP được ký kết vào cuối tuần qua trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN 37. RCEP có sự tham gia của 10 nước ASEAN, và 5 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Australia. Đây là hiệp định thương mại đầu tiên mà các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tham gia và chiếm 30% nền kinh tế và dân số toàn cầu.
Myron Brilliant, phó chủ tịch điều hành Phòng Thương mại Mỹ, cho rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump thời gian qua đã tập trung đối đầu với các hành vi thương mại không công bằng với Trung Quốc, khiến cơ hội của các nhà xuất khẩu Mỹ bị hạn chế ở những nơi khác tại châu Á.
Mỹ đều không tham gia cả RCEP và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đánh dấu việc nền kinh tế lớn nhất thế giới vắng mặt khỏi 2 nhóm thương mại trải dài trên khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Ông Brilliant cho biết kể từ khi Mỹ rút Mỹ khỏi TPP vào năm 2017 - một di sản của người tiền nhiệm Barack Obama trong mục tiêu xoay trục sang châu Á, Tổng thống Trump không ký bất kỳ thỏa thuận thương mại toàn diện mới nào ở khu vực này.
Ông Brilliant nhấn mạnh cơ quan của ông không khuyến nghị Mỹ tham gia RCEP, nhưng cho rằng Mỹ nên áp dụng chiến lược hướng tới tương lai để duy trì hiện diện kinh tế của nước này trong khu vực.
“Nếu không, chúng ta sẽ đối mặt rủi ro phải đứng ngoài chứng kiến một trong những động lực tăng trưởng chính của thế giới không có chúng ta tham gia”, ông Brilliant nói.
Phòng Thương mại Mỹ cho biết họ hoan nghênh các lợi ích tự do hóa thương mại của RCEP, nhấn mạnh rằng các nhà xuất khẩu, công nhân, nông dân Mỹ cần tiếp cận rộng rãi hơn với thị trường châu Á.
Ông Brilliant cho biết xuất khẩu từ Mỹ tới châu Á - Thái Bình Dương đã tăng trưởng trong những thập niên gần đây nhưng thị phần của các công ty Mỹ đã giảm. Ông Brilliant nhấn mạnh tầm quan trong của châu Á - Thái Bình Dương, viện dẫn tốc độ tăng trưởng trung bình dự báo của khu vực trên 5% vào năm 2021 và sự gia tăng nhanh chóng trong tầng lớp trung lưu.
Đức Hoàng
Theo Reuters