Marco Rubio thuộc Đảng Cộng hòa là một trong bốn thượng nghị sĩ Mỹ đứng sau Đạo luật Chiến lược An ninh Kinh tế Toàn cầu. Ảnh: Reuters
Các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một văn bản yêu cầu Chính phủ Mỹ phải thường xuyên phác thảo Chiến lược An ninh Kinh tế toàn cầu nhằm đối đầu với mối đe dọa kinh tế đến từ đối thủ cạnh tranh hàng đầu của mình - Trung Quốc.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các chính trị gia Mỹ đang gia tăng áp lực lên Trung Quốc, nơi mà họ coi là mối đe dọa đối với việc làm và an ninh của quốc gia của Mỹ, mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng ông đã gần đồng ý thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Bắc Kinh.
Cái gọi là “Đạo luật Chiến lược An ninh Kinh tế Toàn cầu” sẽ yêu cầu Tổng thống phải đưa ra một báo cáo phân tích về khả năng cạnh tranh kinh tế của Mỹ, các mối đe dọa đối với an ninh kinh tế và các chiến lược để đối phó với chúng.
Dự luật được giới thiệu bởi các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio và Todd Young, và các thượng nghị sĩ Dân chủ Jeff Merkley và Chris Coons, theo một tuyên bố trên trang web Rubio vào hôm thứ ba.
Mặc dù dự luật đưa ra nhằm thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế tự do, công bằng và hỗ trợ lẫn nhau với các đối tác kinh tế của Mỹ, nhưng các thượng nghị sĩ lại tập trung chủ yếu vào những mối đe dọa mà Trung Quốc đem đến cho Mỹ.
“Lần đầu tiên sau gần ba thập kỷ, Mỹ phải đối đầu với một đối thủ cạnh tranh gần như nắm quyền kiềm soát toàn cầu”, ông Rubio đã cho biết trong tuyên bố của mình.
Ông Young đã nói rằng: “Chúng tôi phải chiến đấu với những thủ đoạn kinh tế của Trung Quốc bằng cách hợp tác với các đối tác và đồng minh có cùng chí hướng trên toàn cầu”
Vào tháng 4 năm 2018, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đưa ra một dự luật, sau đó được gọi là Đạo luật Chiến lược An ninh Kinh tế Quốc gia, mặc dù nó không hề đề cập đến Trung Quốc.
Họ đã ví dự luật đó giống như Chiến lược an ninh quốc gia (NSS), mặc dù nó tập trung vào an ninh kinh tế hơn là quốc phòng. Giống như NSS, dự luật sẽ được ban hành bởi mỗi tổng thống ngay sau khi nhậm chức.
Chiến lược an ninh quốc gia của Trump, được phát hành ngay sau khi nhậm chức vào tháng 12 năm 2017, đã coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược của Mỹ, và nói rằng Bắc Kinh, cùng với Moscow, muốn có một thế giới đối nghịch với các giá trị và lợi ích của Mỹ.
Trong một bài phát biểu chính sách về Trung Quốc vào tháng trước, Phó Tổng thống Mỹ, Mike Pence nói rằng Mỹ không tìm kiếm sự đối đầu và cũng không muốn loại bỏ các đối thủ kinh tế chính của mình.
Tuy nhiên, ông cho biết, có quá nhiều tập đoàn đa quốc gia của Mỹ đã cúi đầu trước sự hấp dẫn về tiền tệ và thị trường Trung Quốc.
Các chính trị gia Mỹ đã tăng áp lực lên Trung Quốc, và đưa ra những lý lẽ thuyết phục về mối đe dọa mà đất nước này đặt ra đối với vấn đề việc làm của Mỹ.
“Một thỏa thuận thương mại quan trọng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ xảy ra sớm, nhưng chỉ khi nó mang lại lợi ích cho Mỹ”, ông nói.
Cũng trong ngày thứ ba, Thượng nghị sĩ Josh Hawley đã có bài phát biểu trước Trung tâm An ninh mới của Mỹ, một cơ quan cố vấn của Washington, về mối đe dọa của Trung Quốc đối với việc làm và an ninh quốc gia Mỹ.
“Trung Quốc đang xây dựng sức mạnh chính trị và kinh tế của riêng mình trên sự cưc khổ của tầng lớp lao động chúng tôi”, ông Hawley nói và đổ lỗi cho Trung Quốc về việc họ đã tàn phá công việc sản xuất của Mỹ.
Hawley còn nhấn mạnh rằng: “Đối đầu với Trung Quốc là một vấn đề hệ trọng đối với thương mại, việc làm và phúc lợi quốc gia của Mỹ.”
Thùy Dung
Theo SCMP